Bên trong thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Mỹ với Saudi Arabia - Kỳ 1

Nhà Trắng đã ca ngợi thỏa thuận này là hiệp định hợp tác quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Mỹ, đánh dấu sự tăng cường quan hệ chiến lược nhằm đối phó với các mối đe dọa trong khu vực và củng cố năng lực quân sự của Saudi Arabia.

Những loại vũ khí chính Mỹ sẽ cung cấp cho Saudi Arabia

Thái tử Saudi Arabia (Ảrập Xêút) Mohammed bin Salman Al Saud (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Thái tử Saudi Arabia (Ảrập Xêút) Mohammed bin Salman Al Saud (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ ký thỏa thuận hợp tác ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận, theo chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com ngày 13/5, được ký kết trong phạm vi cam kết đầu tư trị giá 600 tỷ USD của Saudi Arabia vào nền kinh tế Mỹ, bao gồm các loại vũ khí tiên tiến, chương trình huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa và hải quân của Riyadh. Thương vụ quan trọng này, được ký kết tại Hoàng cung Saudi Arabia ở thủ đô Riyadh, nhấn mạnh cam kết của Washington với đồng minh vùng Vịnh, đồng thời làm dấy lên nhiều câu hỏi về tác động của nó đối với sự ổn định khu vực.

Thỏa thuận được chính thức hóa trong một buổi lễ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud bắt tay nhau, đánh dấu tầm cao mới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng thỏa thuận sẽ cung cấp cho Saudi Arabia những trang thiết bị chiến đấu hiện đại nhất, giúp vương quốc này đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng thân Tehran, như phiến quân Houthi ở Yemen. Theo một tài liệu của Nhà Trắng, thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực như phòng không và phòng thủ tên lửa, năng lực vũ trụ, an ninh hải quân và ven biển, hiện đại hóa quân sự, và liên quan đến hợp đồng với hơn chục tập đoàn quốc phòng Mỹ, trong đó có Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, Northrop Grumman và General Atomics.

Thỏa thuận cũng bao gồm các chương trình huấn luyện và dịch vụ hỗ trợ toàn diện nhằm bảo đảm lực lượng Saudi Arabia có thể vận hành hiệu quả các hệ thống mới. “Thỏa thuận này củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy sự ổn định tại khu vực vùng Vịnh”, Nhà Trắng tuyên bố.

Trung tâm của thỏa thuận là thương vụ bán hệ thống thiết bị bay không người lái (UAV) MQ-9B SeaGuardian do General Atomics sản xuất, trị giá khoảng 20 tỷ USD. MQ-9B SeaGuardian là biến thể hướng tới nhiệm vụ hàng hải của dòng Reaper, được thiết kế cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và tấn công chính xác. Với sải cánh dài 24m và khả năng bay liên tục hơn 30 giờ, SeaGuardian có thể mang theo tối đa 2.540kg tải trọng, bao gồm cảm biến và vũ khí tiên tiến. Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và radar tuần tra hàng hải cho phép nó phát hiện tàu nổi trên diện rộng, trong khi cảm biến quang điện và hồng ngoại cung cấp hình ảnh độ phân giải cao cho mục tiêu tấn công.

Khả năng hoạt động ở độ cao lên tới 12.000m khiến nó lý tưởng cho việc giám sát vùng Vịnh Ba Tư - nơi Saudi Arabia phải đối mặt với các mối đe dọa từ hải quân Iran và các cuộc tấn công bằng UAV của Houthi. So với drone Shahed-136 của Iran - vốn giá rẻ nhưng hạn chế về tầm bay và công nghệ - SeaGuardian vượt trội về thời gian hoạt động và tích hợp cảm biến, giúp quân đội Saudi Arabia có lợi thế rõ rệt trong việc phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa phi đối xứng. Khả năng mang tên lửa Hellfire còn giúp tăng cường sức mạnh tấn công, dù phụ thuộc vào truyền thông vệ tinh có thể tạo ra điểm yếu trong môi trường tác chiến bị gây nhiễu.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân của Saudi Arabia, đặc biệt là hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Patriot PAC-3, đều do Lockheed Martin và Raytheon sản xuất. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung và trung bình ở giai đoạn cuối hành trình bằng đạn đánh chặn tiêu diệt mục tiêu thông qua động năng. Mỗi tổ hợp THAAD bao gồm 6 bệ phóng, 48 đạn đánh chặn, radar và trạm chỉ huy hỏa lực, có khả năng bảo vệ diện rộng trước các mối đe dọa như tên lửa Fateh-110 của Iran – loại từng được Houthi sử dụng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Israel ngày 4/3/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Israel ngày 4/3/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hệ thống Patriot PAC-3, bản nâng cấp của hệ thống Patriot, sử dụng radar tiên tiến và đạn đánh chặn để đối phó tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay. Radar mảng pha có thể theo dõi tới 100 mục tiêu cùng lúc, cung cấp khả năng phòng thủ nhiều lớp khi kết hợp với THAAD. Dù hệ thống Patriot hiện tại của Saudi Arabia từng bắn hạ tên lửa và UAV của Houthi, nhưng vương quốc này vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì tỉ lệ đánh chặn cao do số lượng và tính bất ngờ của các cuộc tấn công. Các hệ thống mới nhằm khắc phục khoảng trống này, dù việc tích hợp vào mạng lưới phòng không cũ kỹ sẽ đòi hỏi nâng cấp hạ tầng chỉ huy – điều khiển đáng kể.

Một thành phần quan trọng khác là máy bay vận tải C-130J Super Hercules - cũng do Lockheed Martin chế tạo - được tùy chỉnh cho điều kiện sa mạc và hỗ trợ hậu cần. C-130J là phiên bản hiện đại hóa của dòng C-130 huyền thoại, có khả năng chở tới 20 tấn hàng hóa hoặc 90 binh sĩ, với tầm bay 3.200km. Khả năng cất – hạ cánh từ đường băng ngắn, không chuẩn bị khiến nó rất phù hợp với địa hình sa mạc rộng lớn của Saudi Arabia - nơi triển khai nhanh quân và thiết bị là tối quan trọng. Hệ thống điện tử hàng không hiện đại, bao gồm màn hình kỹ thuật số và thiết bị định vị tiên tiến, nâng cao độ tin cậy trong môi trường khắc nghiệt.

Saudi Arabia từng dùng các mẫu C-130 đời cũ tại Yemen để vận chuyển tiếp tế và thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, nhưng hiệu suất nhiên liệu và tải trọng tốt hơn của C-130J sẽ nâng cao khả năng của các hoạt động này. So với máy bay vận tải Il-76 của Liên bang Nga vốn được một số quốc gia Trung Đông sử dụng thì C-130J có khả năng cất – hạ cánh tốt hơn trên đường băng ngắn và tương thích với thiết bị chuẩn NATO, phù hợp với xu hướng chuyển dịch của Saudi Arabia sang các hệ thống phương Tây.

Đã có suy đoán rằng F-35 - tiêm kích tàng hình thế hệ 5 - sẽ được đưa vào thỏa thuận, nhưng chưa có xác nhận chính thức. F-35 do Lockheed Martin phát triển, có khả năng tàng hình, hợp nhất cảm biến và kết nối mạng vượt trội. Radar AN/APG-81 và cảm biến hồng ngoại cho phép phát hiện, tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa, trong khi thiết kế tàng hình làm giảm diện tích phản xạ radar. Saudi Arabia mong muốn sở hữu F-35 nhằm bắt kịp đối thủ trong khu vực như Israel - quốc gia đang vận hành loại máy bay này - và đối trọng với không quân Iran đang tăng cường hiện đại hóa.

Tuy nhiên, việc Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, cùng cam kết duy trì lợi thế quân sự vượt trội cho Israel, khiến việc bán F-35 khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Thay vào đó, thỏa thuận tập trung vào nâng cấp phi đội F-15 và Typhoon hiện có của Saudi Arabia - tuy vẫn mạnh nhưng thiếu khả năng tàng hình và cảm biến như F-35. Giới hạn này cho thấy sự cân bằng tinh tế mà Mỹ phải duy trì khi trang bị vũ khí cho các đồng minh vùng Vịnh nhưng không làm mất ổn định khu vực.

Đón đọc kỳ cuối: Những tác động tiềm tàng tới khu vực

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ben-trong-thoa-thuan-quoc-phong-lon-nhat-trong-lich-su-my-voi-saudi-arabia-ky-1-20250514102859140.htm