Đòn kép của Nga sau đề nghị đàm phán với Ukraine và khả năng ông Putin tham dự

Giới quan sát cho rằng bằng việc đề nghị đàm phán trực tiếp với Ukraine nhưng không đồng ý với lệnh ngừng bắn, Nga đang tung đòn kép kết hợp áp lực ngoại giao với sức mạnh quân sự.

Đòn kép của Nga và khả năng ông Putin tham dự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này và chờ để tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh chính quyền Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đang gia tăng áp lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm.

Phát biểu hôm 13/5, ông Zelensky cho biết sẽ có mặt tại Ankara vào thứ Năm (15/5) để tiến hành đàm phán. Tại đây, ông sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và cả hai sẽ cùng chờ ông Putin đến tham dự. Sau đó, ông Zelensky và ông Erdogan sẽ cùng di chuyển tới Istanbul.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Hiện ông Putin vẫn chưa xác nhận liệu có tham dự cuộc đàm phán mà chính ông đã đề xuất hay không. Moscow cũng chưa đưa ra phản hồi trực tiếp về việc ông Zelensky yêu cầu gặp trực tiếp ông Putin tại bàn đàm phán.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, một lần nữa từ chối cho biết liệu Tổng thống Putin có tới Istanbul hay không và ai sẽ đại diện cho Nga trong trường hợp các cuộc đàm phán diễn ra.

“Khi Tổng thống cho rằng đã đến lúc thích hợp, chúng tôi sẽ công bố thông tin", ông Peskov nói. Nga hiện mới chỉ tuyên bố "sẵn sàng cử phái đoàn đến Istanbul mà “không kèm theo điều kiện tiên quyết".

Nếu cuộc gặp giữa ông Zelenskyy và ông Putin diễn ra vào thứ Năm, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 12/2019. Kể từ đó, bối cảnh địa chính trị và cục diện xung đột đã thay đổi sâu sắc.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp được đề xuất mang lại lợi thế cho phía Nga, khi Moscow dường như đang tìm cách đặt lại “luật chơi” theo điều kiện của mình, bằng cách đề xuất đàm phán sau khi Kiev cùng một số quốc gia châu Âu kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ 12/5.

“Nga nhiều lần tuyên bố rằng một lệnh ngừng bắn đơn thuần sẽ tạo lợi thế quân sự cho Ukraine, giúp Kyiv có thời gian xây dựng công sự, sản xuất và nhập khẩu vũ khí một cách an toàn, cũng như tiếp tục chiến dịch huy động lực lượng", ông Alexander Baunov, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

Khi Nga đề xuất đàm phán mà không đi kèm với việc ngừng bắn, ông Alexander Baunov cho rằng: “Quân đội Nga sẽ tiếp tục tấn công trên tiền tuyến và ném bom vào các vị trí hậu phương của Ukraine, qua đó kết hợp áp lực ngoại giao với sức mạnh quân sự".

Đồng thời, động thái này có thể nhằm xoa dịu cả phe cứng rắn trong nước lẫn các bên quan sát quốc tế hoài nghi.

“Hình thức đối phó mà Nga lựa chọn giúp ngăn chặn hoặc trì hoãn khả năng Tổng thống Trump rút khỏi tiến trình đàm phán, điều ông từng tuyên bố sẽ làm nếu một trong hai bên tỏ ra không hợp tác. Động thái này cũng làm dịu tình hình nội bộ, ổn định tâm lý quân đội, các bên quan sát quốc tế và cuối cùng là dư luận trong nước", ông Baunov cho hay.

Mỹ và châu Âu gia tăng sức ép

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc hai bên tham gia vào nỗ lực của Washington nhằm chấm dứt giao tranh, đồng thời đề nghị sẽ đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Ngày 12/5, ông Trump cho biết ông đang "suy nghĩ về việc bay tới Istanbul" để tham dự các cuộc đàm phán. Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh động thái này song Moscow vẫn chưa đưa ra phản ứng.

"Tất cả chúng tôi ở Ukraine đều đánh giá cao nếu Tổng thống Trump có thể ở đây cùng chúng tôi trong cuộc họp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một ý tưởng phù hợp. Chúng ta có thể thay đổi rất nhiều điều", ông Zelensky nói.

Ông Trump đã công khai yêu cầu ông Zelensky tham dự đàm phán trước đề xuất trao đổi trực tiếp của Tổng thống Putin ngày 11/5 sau khi Moscow bác bỏ lệnh ngừng bắn 30 ngày mà Kiev và các đồng minh phương Tây khẳng định cần được thực hiện trước.

Cố vấn tổng thống Ukraine - ông Mykhailo Podolyak cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ không gặp bất kỳ quan chức nào khác của Nga, ngoại trừ Tổng thống Vladimir Putin ở Istanbul tuần này. Khi được hỏi liệu Tổng thống Zelensky có sẵn sàng gặp một đại diện khác của Nga nếu Tổng thống Putin không tham dự hay không, cố vấn Mykhailo Podolyak trả lời: "Không, dĩ nhiên là không. Đây không phải là hình thức phù hợp".

Theo ông Podolyak, ngay cả những quan chức cấp cao của Nga như các bộ trưởng cũng không có thẩm quyền đưa ra các quyết định mang tính căn bản để chấm dứt xung đột.

"Điều đó tức là chỉ có ông Putin mới có thể đưa ra quyết định tiếp tục hay kết thúc cuộc xung đột này", cố vấn tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz một lần nữa gây sức ép để Nga đồng ý với lệnh ngừng bắn 30 ngày vô điều kiện.

"Chúng tôi vẫn chờ đợi sự nhất trí của ông Putin. Chúng tôi đều đồng ý rằng nếu không có tiến triển trong tuần này, chúng tôi sẽ thúc đẩy việc thắt chặt đáng kể các biện pháp trừng phạt ở cấp độ liên minh. Chúng tôi sẽ tập trung vào cả các khía cạnh khác, chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng và tài chính", Thủ tướng Merz nói.

Ông cũng hoan nghênh việc ông Zelensky sẵn sàng tới Istanbul nhưng cho rằng, "tình hình hiện nay phụ thuộc vào việc ông Putin chấp nhận đề xuất đàm phán này và nhất trí với một lệnh ngừng bắn. Quả bóng đang nằm trên sân của Nga".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, cảnh báo rằng các biện pháp này có thể được triển khai trong vài ngày tới nếu Moscow không tuân thủ lệnh ngừng bắn.

Phát biểu hôm 13/5, ông Macron cho biết, lĩnh vực tài chính và năng lượng, bao gồm dầu mỏ và khí đốt, sẽ là những mục tiêu chính của vòng trừng phạt tiếp theo.

Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã đưa ra cảnh báo chung hồi cuối tuần, khẳng định rằng Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nếu không chấp nhận đề xuất ngừng bắn kéo dài 30 ngày trước 12/5 - điều mà Moscow đã từ chối.

Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt

Trong khi đó, Ukraine cho biết, các đơn vị phòng không của nước này đã bắn hạ toàn bộ 10 máy bay không người lái mà Nga phóng trong đêm 13/5, số lượng thấp nhất trong các đợt tấn công của Nga trong vài tuần gần đây.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, tính đến 22h đêm 12/5 (giờ địa phương), đã có 133 cuộc đụng độ giữa Kiev với lực lượng Nga trên tiền tuyến kể từ nửa đêm, thời điểm lệnh ngừng bắn do các nước châu Âu đề xuất bắt đầu có hiệu lực.

Tổng thống Zelensky dẫn lời Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, ông Oleksandr Syrskii cho biết, khu vực Donetsk - tâm điểm của mặt trận phía Đông vẫn chứng kiến giao tranh ác liệt, cũng như khu vực Kursk ở miền Tây nước Nga - nơi Ukraine từng tiến hành một cuộc đột kích vượt biên cách đây 9 tháng.

Ở chiều ngược lại, Nga cáo buộc Ukraine tấn công khu vực Belgorod. Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết hôm 13/5 rằng, "lực lượng Ukraine đã sử dụng 65 máy bay không người lái và hơn 100 quả đạn pháo để tấn công khu vực này trong vòng 24 giờ qua".

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/don-kep-cua-nga-sau-de-nghi-dam-phan-voi-ukraine-va-kha-nang-ong-putin-tham-du-post1199326.vov