Tổng thống Trump công du Vùng Vịnh: Mục tiêu kinh tế, rủi ro ngoại giao?
Tổng thống Trump tới vùng Vịnh với mục tiêu thúc đẩy quan hệ thương mại, nhưng các cuộc đàm phán bên lề về Iran và Gaza có thể gây xa cách với đồng minh Israel.

Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman Al Saud (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Conversation, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia cùng các lãnh đạo của UAE và Qatar vào ngày 14/5 tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh - một hội nghị cấp cao đang được quảng bá rầm rộ như một sự kiện mang tính quyết định. Người không được mời và đang dõi theo đầy lo ngại là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Cũng như nhiều thành viên trong liên minh cánh hữu của mình, ông Netanyahu từng tỏ ra hồ hởi trước chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, tin rằng chính sách Trung Đông của đảng Cộng hòa sẽ chắc chắn thiên về lợi ích của Israel và được phối hợp chặt chẽ với chính ông.
Nhưng mọi việc lại không hoàn toàn diễn ra như vậy. Tất nhiên, Washington – ít nhất là trong các tuyên bố chính thức – vẫn là đồng minh lớn nhất và nhà cung cấp vũ khí chính cho Israel. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang theo đuổi một chính sách Trung Đông mà nhiều lúc lại đi ngược với lợi ích của Thủ tướng Netanyahu và chính phủ của ông.
Thực tế, việc ông Trump thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Iran – một bước ngoặt bất ngờ so với nhiệm kỳ đầu tiên – đang trực tiếp phá bỏ lập trường lâu nay của ông Netanyahu. Mức độ lo ngại trong các vòng tròn cánh hữu Israel lớn đến nỗi có tin đồn rằng ông Trump có thể đơn phương tuyên bố Mỹ ủng hộ một Nhà nước Palestine trước chuyến thăm Riyadh (dù thực tế đã không diễn ra).
The Conversation cho rằng, chương trình nghị sự của Tổng thống Trump tại Riyadh về nhiều mặt là sự tiếp nối chính sách lâu nay của Mỹ, đặc biệt là trong việc xây dựng các mối quan hệ an ninh với các vương triều Arab vùng Vịnh – điều mà Israel từ lâu đã chấp nhận, nếu không muốn nói là ngầm ủng hộ. Tuy nhiên, chuyến đi này có thể sẽ tạo ra một khoảng cách đáng kể giữa ông Trump và ông Netanyahu.
Chuyến công du kéo dài 4 ngày tới vùng Vịnh – là chuyến đi lần đầu tiên mang tính chính sách kể từ khi ông tái đắc cử – về mặt công khai nhằm phát triển quan hệ kinh tế và an ninh giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh Ba Tư.
Ông Trump dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỷ USD với các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm các hợp đồng mua vũ khí chưa từng có tiền lệ, đầu tư từ các quỹ vùng Vịnh vào Mỹ, và thậm chí là món quà tiềm năng từ Qatar – một chiếc chuyên cơ Boeing 747 sang trọng dự kiến sẽ được dùng làm chuyên cơ tổng thống Air Force One.
Ngoài ra, cũng có khả năng Mỹ và Saudi Arabia sẽ thành lập một liên minh an ninh.
Xử lý quan hệ với Tehran
Cho tới lúc này, mọi thứ vẫn ổn với chính phủ Israel. Trước các vụ tấn công ngày 7/10, Israel vốn đã trong tiến trình thắt chặt quan hệ với các nước vùng Vịnh, khi thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết các thỏa thuận với UAE và Bahrain thông qua Hiệp định Abraham – điều mà chính quyền Trump từng thúc đẩy hồi tháng 9/2020. Tiềm năng bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia cũng đang được xúc tiến.
Tuy nhiên, trọng tâm chính trong chương trình nghị sự lần này tại Riyadh lại là những vấn đề mà hai ông Trump và Netanyahu ngày càng không đồng quan điểm, bắt đầu từ Iran.
Dù không có đại diện tham dự, vấn đề Iran sẽ xuất hiện dày đặc trong các cuộc thảo luận thượng đỉnh của ông Trump, do thời điểm tổ chức trùng với các vòng đàm phán ngoại giao Mỹ - Iran về chương trình hạt nhân của Tehran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mỹ-Saudi Arabia ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Các cuộc đàm phán này đã bước sang vòng thứ tư. Và dù còn nhiều trở ngại, các phái đoàn Mỹ và Iran vẫn liên tục bày tỏ lạc quan rằng một thỏa thuận có thể đạt được.
Cách tiếp cận này đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt của Tổng thống Trump, người từng rút khỏi Mỹ một thỏa thuận tương tự vào năm 2018, nhưng nay lại tìm cách xây dựng lại nó. Điều này cũng cho thấy Washington hiện đang phản đối kịch bản đối đầu quân sự trực diện với Iran, trái với quan điểm của ông Netanyahu.
Giới lãnh đạo vùng Vịnh cũng ủng hộ giải pháp ngoại giao với Tehran như một cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Ngay cả Saudi Arabia – kình địch lâu năm của Tehran ở khu vực, từng phản đối mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao thời Obama – cũng ngày càng hướng tới một cách tiếp cận thận trọng hơn. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia đã tới thăm Tehran, ngay trước vòng đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ và Iran.
Về phần mình, ông Netanyahu từng xây dựng sự nghiệp chính trị của mình trên nền tảng mối đe dọa từ một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, và sự cần thiết phải ngăn chặn điều đó từ trong trứng nước.
Chính vì vậy, việc Tổng thống Trump bất ngờ quay trở lại đàm phán với Iran đã khiến Netanyahu phẫn nộ – không chỉ vì bản thân hành động đó, mà còn vì cách nhà lãnh đạo Mỹ công khai thực hiện nó. Hồi tháng 4, ông Trump mời Netanyahu tới Nhà Trắng và tuyên bố trước truyền thông rằng Washington đang theo đuổi con đường ngoại giao với Tehran.
Bất đồng ở Yemen
The Conversation cho rằng, một chỉ dấu rõ ràng về rạn nứt tiềm tàng giữa chính quyền Trump và chính phủ Israel là tình hình Yemen – nơi Mỹ, Israel và phiến quân Houthi đang có những va chạm.
Sau khi Houthi bắn tên lửa vào sân bay Tel Aviv ngày 4/5 – buộc sân bay đóng cửa và nhiều chuyến bay quốc tế bị hủy – Israel đã đáp trả bằng một cuộc không kích dữ dội, phá hủy sân bay và nhiều cơ sở hạ tầng tại thủ đô Yemen.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ không tấn công Houthi nữa, với lý do nhóm này đã “đầu hàng” trước yêu cầu của ông và cam kết không ngăn cản tàu Mỹ qua Biển Đỏ.
Rõ ràng, Israel không được tham vấn trong thỏa thuận mới giữa Mỹ và Houthi. Tuyên bố của ông Trump cũng diễn ra đúng thời điểm, như một nỗ lực xoa dịu trước thềm chuyến thăm Saudi Arabia. Không loại trừ khả năng ông Trump cũng hy vọng điều đó sẽ tạo thuận lợi cho đàm phán với Iran – quốc gia bảo trợ chính của Houthi.
Yếu tố thời điểm cũng đáng chú ý trong cuộc không kích mới nhất của Israel vào các cảng Yemen, diễn ra ngày 11/5 – ngay trước khi Trump khởi hành tới Saudi. Có thể ông Netanyahu không chỉ gửi thông điệp tới Houthi, mà còn nhắm vào cả Mỹ và Iran. Việc Israel tiếp tục tấn công Houthi có thể khiến đàm phán hạt nhân gặp thêm trở ngại.
Chiến thuật sinh tồn chính trị của ông Netanyahu
Giới quan sát lâu nay cho rằng Netanyahu luôn ưu tiên kéo dài chiến sự ở Gaza để giữ vững liên minh cánh hữu cực đoan – những người công khai ủng hộ việc chiếm đóng toàn bộ Dải Gaza và sáp nhập Bờ Tây.
Đây được cho là lý do chính khiến ông rút khỏi giai đoạn cuối của thỏa thuận ngừng bắn với Hamas hồi tháng 3 – thỏa thuận sẽ yêu cầu quân đội Israel rút khỏi Gaza.
Sau khi thỏa thuận sụp đổ, quân đội Israel đã huy động lực lượng chuẩn bị cho một đợt tấn công mới vào Gaza – dự kiến sẽ bắt đầu sau khi ông Trump kết thúc chuyến thăm vùng Vịnh.
Khi nhiều thành viên nội các Netanyahu công khai tuyên bố việc giải cứu con tin Israel không còn là ưu tiên hàng đầu, có thể thấy rõ rằng việc hạ nhiệt xung đột không nằm trong chương trình nghị sự của ông.
Tổng thống Trump gần đây cũng thừa nhận tình hình con tin đang rất nghiêm trọng, cùng với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở Gaza. Ngoài việc thúc đẩy trả tự do cho con tin mang quốc tịch Mỹ-Israel Edan Alexander, Mỹ hiện đang tiến hành đàm phán trực tiếp với Hamas về lệnh ngừng bắn và viện trợ – phớt lờ Netanyahu trong quá trình này.
Tiền là mục tiêu cao nhất?
Theo tờ The Conversation, chính sách hiện tại của Mỹ tại Trung Đông có thể chỉ nhằm phục vụ một mục tiêu lớn hơn cho ông Trump: giành được hàng chục tỷ USD từ các quốc gia vùng Vịnh cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng để đạt được điều đó cần một Trung Đông ổn định, trong khi chiến sự Gaza tiếp diễn và Iran tiến gần hơn tới vũ khí hạt nhân có thể làm tiêu tan mục tiêu này.
Dĩ nhiên, một thỏa thuận hạt nhân với Tehran vẫn còn ở phía trước. Và chính sách đối ngoại của ông Trump vốn nổi tiếng với những cú rẽ bất ngờ.
Tuy nhiên, dù được thúc đẩy bởi bản năng của một nhà thương lượng hay bởi mong muốn thực sự nhằm ổn định khu vực, có thể thấy chính quyền Tổng thống Trump ngày càng theo đuổi những chính sách đi ngược với lợi ích của chính phủ Israel hiện tại.