Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao, có thể lây lan thành dịch?
Liên quan việc nữ sinh 18 tuổi vừa tử vong vì bệnh bạch hầu tại Nghệ An, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), xung quanh căn bệnh này
* Phóng viên: Mới đây, một nữ sinh 18 tuổi đã tử vong do bệnh bạch hầu, trong khi 119 người tiếp xúc phải cách ly, theo dõi. Thưa bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh là do đâu và bệnh này có thể lây lan thành dịch hay không?
- PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên: Hiện tại, tỉ lệ bao phủ chủng ngừa bệnh bạch hầu từ 90-95%. Vì vậy, bệnh này không thể thành dịch, chỉ có những ca chưa được chủng ngừa mới có nguy có mắc bệnh.
Nguyên nhân mắc bệnh là do vi khuẩn bạch hầu. Bệnh từ trước đến nay, thỉnh thoảng vẫn ghi nhận ca mắc, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Các vùng này dễ có ca bệnh vì tỉ lệ tiêm chủng bao phủ thấp.
Vi khuẩn bạch hầu "định cư" trong đường hô hấp trên của người. Do đó, bệnh này lây qua đường hô hấp như hắt hơi, giọt bắn nhưng không lây xa như virus - có thể bay trong không khí. Người có miễn dịch nhờ đã tiêm ngừa thì có thể phòng ngừa bệnh; với người miễn dịch kém, khi mắc bệnh có thể nhiễm độc tố.
* Bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu có biểu hiện ra sao? Nếu mắc bệnh, việc điều trị có dễ dàng?
- Dấu hiệu của bệnh bạch hầu ban đầu thường là viêm họng, sốt, có giả mạc họng, trắng dai, khó lấy. Những giả mạc này có thể gây suy hô hấp, tắc đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, có thể biến chứng gây tử vong do có độc tố khiến rối loạn nhịp, giảm sức co bóp cơ tim.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng độc tố. Nếu không có thuốc kịp thời, bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng bằng kháng sinh, tăng sức co bóp cơ tim. Tuy nhiên, những trường hợp này tổn thương tim sẽ rất nặng.
* Với trường hợp bệnh nhân tử vong vừa rồi, đã có 119 người cách ly và theo dõi. THưa bác sĩ, những đối tượng tiếp xúc gần có nguy cơ gì và việc phòng bệnh ra sao?
- Không phải ai tiếp xúc cũng có nguy cơ. Trường hợp nguy cơ cao là tiếp xúc gần khi bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi; chưa được tiêm ngừa đầy đủ.
Thông thường, khi đã tiêm ngừa thì sẽ có miễn dịch. Trẻ tiêm mũi 1 khi được 2 tháng tuổi, mũi 2-3 lần lượt cách nhau 1 tháng và mũi 4 khi 18 tháng tuổi. Sau đó, tiêm nhắc khi trẻ trong khoảng 4-7 tuổi và 10 tuổi. Tiêm như vậy là đủ và kéo dài. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thì nên tiêm ngừa chứ không phải ai cũng cần tiêm.