Bệnh da liễu do nước ô nhiễm

Nước, thứ tưởng chừng như 'vô hại' và thân quen mỗi ngày lại là một trong những mối nguy gây bệnh da liễu.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người đã chú trọng hơn đến chế độ ăn uống, tập luyện và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, một yếu tố âm thầm nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là làn da lại thường bị bỏ quên: Chất lượng nguồn nước sử dụng hàng ngày.

Nước ô nhiễm: Thủ phạm gây bệnh da liễu tiềm ẩn

 Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Một số bệnh da liễu phổ biến do tiếp xúc với nước ô nhiễm có thể kể đến như:

Viêm da kích ứng: Thường xảy ra khi da tiếp xúc với nước có chứa hóa chất như clo, asen, hay chất tẩy rửa công nghiệp tồn dư trong nguồn nước.

Nấm da, nấm móng: Các loại nấm ưa môi trường ẩm thấp có thể sinh sôi mạnh khi da tiếp xúc lâu ngày với nước ô nhiễm, đặc biệt là ở chân, kẽ tay, vùng bẹn…

Chàm da: Nước ô nhiễm làm khô da, mất cân bằng độ ẩm tự nhiên, khiến bệnh chàm dễ bùng phát hoặc nặng thêm.

Viêm nang lông, mụn nhọt: Vi khuẩn như Staphylococcus aureus có thể xâm nhập vào lỗ chân lông qua việc tắm rửa bằng nước bẩn, gây viêm nhiễm, nổi mụn mủ.

Nguy cơ “ẩn mình” trong sinh hoạt hàng ngày

Không cần phải sống cạnh khu công nghiệp hay sử dụng nước kênh rạch ô nhiễm mới gặp nguy cơ. Thực tế, ngay cả người dân thành thị vẫn có thể dùng phải nguồn nước chứa kim loại nặng (như chì, asen) hoặc nước máy chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt tại các chung cư cũ, bồn chứa nước không được vệ sinh định kỳ sẽ trở thành ổ vi khuẩn, rong rêu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làn da.

Một yếu tố khác ít được chú ý là nguồn nước giếng khoan ở vùng nông thôn. Dù tiện lợi và chi phí thấp, song nếu không được kiểm định chất lượng thường xuyên, nước giếng khoan có thể nhiễm phèn, amoni, hoặc nitrat – các chất dễ gây kích ứng da và rối loạn nội tiết.

Ngoài ra, việc dùng nước ô nhiễm để giặt quần áo, rửa bát, tắm cho trẻ nhỏ cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Trẻ em và người có làn da nhạy cảm sẽ dễ phản ứng hơn trước các tác nhân ô nhiễm này.

Phòng bệnh da liễu từ nguồn nước

Để hạn chế các bệnh da liễu liên quan đến nước sinh hoạt, người dân cần nâng cao nhận thức và thực hiện một số biện pháp cơ bản như:

Kiểm tra chất lượng nước định kỳ, đặc biệt với các hộ sử dụng nước giếng khoan, nước mưa hoặc bồn chứa riêng.

Sử dụng thiết bị lọc nước phù hợp cho cả sinh hoạt và ăn uống. Nên chọn bộ lọc có khả năng loại bỏ vi khuẩn, kim loại nặng và chất độc hại.

Vệ sinh bồn chứa nước 3–6 tháng/lần, tránh rong rêu, cặn bẩn tích tụ gây ô nhiễm thứ cấp.

Tắm rửa ngay sau khi tiếp xúc với nước bẩn, ao hồ, mưa lớn hoặc môi trường ô nhiễm.

Đến cơ sở y tế da liễu khi có biểu hiện bất thường, không tự ý điều trị bằng thuốc không rõ nguồn gốc.

Trương Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/benh-da-lieu-do-nuoc-o-nhiem-post1542221.html