Bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong trường học, lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh
Khi điều trị bệnh đau mắt đỏ cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt. Đồng thời, cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài.
Hơn 2.300 học sinh huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nghỉ học vì đau mắt đỏ
Theo VOV, sáng 14/9, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) Phan Quốc Thanh cho biết, do bùng phát bệnh đau mắt đỏ, toàn huyện có hơn 23.000 học sinh tại 60 cơ sở giáo dục thì 2.300 học sinh bị đau mắt đỏ (chiếm 10%). Số học sinh này ở nhiều lứa tuổi, từ mầm non đến Trung học cơ sở.
"Dịch chung như vậy, những ngày này học trò đau mắt các em nghỉ học. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm y tế có hướng dẫn về phòng dịch, vệ sinh, tuyên truyền. Khi các cháu lành bệnh đến trường, nhà trường có trách nhiệm bổ sung kiến thức cho các em trong thời gian nghỉ", ông Phan Quốc Thanh nói.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) Trần Trung Bộ cho biết, hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ sau ngày khai giảng và lây lan diện rộng trong những ngày gần đây. Toàn trường hiện đang có 175 em học sinh và 5 giáo viên đang bị đau mắt đỏ. Tình hình lây lan vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, nhà trường đã phối hợp Trạm Y tế thị trấn Hương Khê để triển khai các giải pháp phòng dịch. Đồng thời, tuyên truyền cách phòng, chống dịch đến phụ huynh thông qua các nhóm mạng xã hội, nhắc nhở học sinh các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Bên cạnh đó, trường thường xuyên vệ sinh phòng ốc, khuôn viên, bảo đảm môi trường thông thoáng để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hương Khê, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, địa bàn có hơn 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ xảy ra ở 21/21 xã, thị trấn. Trong đó, có gần 3.000 ca bệnh là học sinh và giáo viên. Hiện nay, có gần 1.200 ca đã khỏi bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Hương Khê đề nghị trạm y tế các xã, thị trấn, ngành giáo dục huyện xuống tận cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu chuyên môn của ngành y tế. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của cán bộ, giáo viên và học sinh; lập danh sách các trường hợp nhiễm bệnh để theo dõi, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo "khẩn" tăng cường phòng dịch đau mắt đỏ
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng; Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus (thường gặp là Adenovirus).
Bên cạnh đó, khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.
Trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho các đối tượng: Giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh đau mắt đỏ
Thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành. Khi người bệnh đưa tay dụi mắt tiết tố chứa yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung (điều khiển từ xa, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt,…).
Virus gây bệnh đau mắt đỏ có trong dịch tiết đường hô hấp và khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.
Đau mắt đỏ làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ em lại không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt và thậm chí khi nhỏ thuốc vào mắt rồi thì trẻ lại khóc làm cho nước mắt rửa trôi hết thuốc.
Khi điều trị bệnh đau mắt đỏ cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng vì trẻ không tự dùng thuốc được. Người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt.
Đồng thời, cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn hoặc đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.