Bệnh gây mòn xương hiếm gặp tại vùng nghèo nhất của Kenya

Giám đốc bệnh viện Lodwar ở vùng Turkana nghèo nhất Kenya, ông Ekiru Kidalio cho biết gần như tuần nào bệnh viện cũng ghi nhận 1 ca mắc bệnh về da nhưng có thể gây mòn xương dẫn đến cụt chi – mycetoma.

Mycetoma là bệnh nhiễm trùng do nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở. Biểu hiện bệnh ban đầu là những vết sưng nhỏ dưới da, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh biến chứng dẫn đến viêm mô dưới da, thậm chí có thể gây mòn xương. Khi bệnh lan đến xương thì giải pháp duy nhất là cắt cụt chi.

Theo ông Kidalio, khoảng 80% dân số tại Turkana bị mù chữ và thường tự chữa bệnh do dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế và khó tiếp cận. Khi họ đến bệnh viện thì bệnh đã tiến triển đến mức không thể chữa trị được nữa.

Thuốc điều trị cũng đắt đỏ, quá trình điều trị có thể lên tới 1 năm và chi phí khoảng 2.000 USD, đồng thời đi kèm nhiều tác dụng phụ. Trong khi đó, việc chẩn đoán và điều trị lại không được miễn phí trong hệ thống y tế Kenya vốn đang oằn mình vì quá tải.

Chuyên gia John Ekai tại bệnh viện Lodwar cho biết trong năm qua ông đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh mycetoma nhưng chỉ có 5 trường hợp hồi phục.

Theo Sáng kiến Thuốc cho các bệnh bị lãng quên (DNDi), tổ chức phi chính phủ toàn cầu, bệnh mycetoma ảnh hưởng không cân xứng đối với các cộng đồng nông dân và người chăn nuôi gia súc ở nông thôn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận mycetoma là căn bệnh bị lãng quên vào năm 2016. Sự thiếu hiểu biết và chẩn đoán sai vẫn còn phổ biến.

Ngoài Kenya, căn bệnh này còn thường gặp ở các nước khác như Somalia, Sudan và Yemen, những nơi thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài trợ và nghiên cứu để điều trị căn bệnh này.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/benh-gay-mon-xuong-hiem-gap-tai-vung-ngheo-nhat-cua-kenya-20250509173903212.htm