Nâng cao kiến thức phòng, chống đột quỵ ngoài cộng đồng
Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng. Vì thế, việc nâng cao kiến thức cho cộng đồng nhận biết sớm các triệu chứng và có phản ứng xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng nặng nề do bệnh đột quỵ gây ra.

Gần 500 sinh viên của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tham dự chương trình. (Ảnh: T.X)
Chiều 9/5, Bệnh viện E phối hợp Hội Đột quỵ Việt Nam, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, chương trình Angels – Công ty TNHH Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức chương trình “Nhận diện và xử trí bệnh nhân đột quỵ tại cộng đồng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên trên toàn quốc”.
Gia tăng người trẻ mắc đột quỵ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, đột quỵ đang trở thành một gánh nặng xã hội với số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng, đặc biệt do dân số đang già hóa và các bệnh lý chuyển hóa gia tăng.
Bệnh đột quỵ gây ra gánh nặng lớn về mặt y tế, kinh tế và xã hội, với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nếu không được xử trí kịp thời và điều trị đúng cách. Thực tế, tại các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân vẫn đến viện muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và hậu quả nặng nề.
Hiện tại, bệnh viện chỉ là nơi điều trị chuyên sâu, trong khi việc nhận biết sớm và xử lý kịp thời là rất quan trọng. Vì thế, cộng đồng, đặc biệt là sinh viên y khoa, cần được trang bị kiến thức về nhận diện triệu chứng và phản ứng đúng đắn để giảm thiểu hậu quả của bệnh đột quỵ.
"Không chỉ các bác sĩ chuyên khoa mới có thể xử lý bệnh đột quỵ, mà cả cộng đồng cũng cần nhận biết và phản ứng kịp thời. Thời gian là yếu tố then chốt, vì bệnh đột quỵ cần được xử lý trong vòng phút, giờ chứ không phải ngày, tuần hay tháng. Vì thế, vai trò nhận diện nguy cơ đột quỵ ban đầu và có thái độ xử trí đúng ở cộng đồng rất quan trọng", ông Hựu nhấn mạnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ tại chương trình.
Đột quỵ là nguyên nhân gây ra tử vong thứ 2; khuyết tật thứ 3 trên thế giới và xu hướng ngày càng gia tăng nhất là các nước đang phát triển. Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, gánh nặng đột quỵ đã giảm trong 3 thập kỷ qua, nhưng phần lớn chỉ ở các nước thu nhập cao.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, các yếu tố nguy cơ của đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng tương tự như ở dân số nói chung bao gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc, lạm dụng rượu và bệnh tim mạch.

Chương trình thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên.
Nguyên nhân của việc người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng nhiều như nhu cầu công việc và cuộc sống khiến mọi người phải làm việc quá sức, thiếu thời gian nghỉ ngơi; chế độ ăn uống không hợp lý, ít vận động; ô nhiễm môi trường, lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
"Một số yếu tố bổ sung ở người trẻ làm tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm: chứng đau nửa đầu, dùng thuốc tránh thai uống, tình trạng mang thai và sau sinh, tồn tại lỗ thông bầu dục tim, sử dụng ma túy,...", Giáo sư Thông chia sẻ.
Các dấu hiệu đột quỵ
1. Đột ngột tê dại, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường ở một bên của cơ thể
2. Nói hoặc hiểu lời nói khó khăn
3. Đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực một hoặc cả hai mắt
4. Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mắt phối hợp động tác
5. Đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân
Nâng cao kiến thức về đột quỵ cho cộng đồng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hội thảo được coi là một buổi dạy học thực tiễn cho các sinh viên trong trường.
"Các buổi tập huấn về đột quỵ được đánh giá là rất bổ ích và có ý nghĩa quan trọng đối với giáo viên, sinh viên và cán bộ y tế, giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng xử trí trong quá trình học tập và hành nghề", Phó Giáo sư Nghị chia sẻ.
Với gần 500 sinh viên của Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam tham dự chương trình ngày hôm nay sẽ đóng vai trò là những “tuyên truyền viên” có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về phòng bệnh, cách nhận biết sớm và xử trí đúng khi gặp người bị đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cứ 4 người trưởng thành trên 25 tuổi, sẽ có một người có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ trong tương lai.

Nhiều bạn trẻ gửi câu hỏi tới các chuyên gia đầu ngành về đột quỵ.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc xử trí đột quỵ tại cộng đồng rất quan trọng. Sinh viên đóng vai trò trong hệ thống y tế học đường có thể tham gia lực lượng phản ứng nhanh cấp trường như hỗ trợ xử trí ban đầu khi có trường hợp đột quỵ hoặc cấp cứu; hướng dẫn các bạn sinh viên nhận biết dấu hiệu đột quỵ theo FAST và kết nối nhanh với y tế chuyên sâu, cấp cứu 115.
Các di chứng chính sau đột quỵ bao gồm: Liệt nửa người, giảm khả năng vận động; suy giảm ý thức, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần; phụ thuộc vào người thân trong các hoạt động hàng ngày.
Với những kiến thức được trang bị, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu khẳng định, khi gặp một người có dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ, sinh viên – dù không phải là nhân viên y tế – vẫn có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cứu sống người bệnh bằng những hành động đúng và kịp thời thông qua việc nhận diện nhanh các dấu hiệu điển hình của đột quỵ thông qua nguyên tắc FAST: F (Face) – méo miệng, A (Arm) – yếu hoặc liệt tay chân một bên, S (Speech) – nói khó, nói ngọng, T (Time) – thời gian là vàng, cần gọi cấp cứu ngay.
Để phòng ngừa đột quỵ, mọi người cần tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu; khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình; thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao; tránh xa các chất kích thích, gây nghiện...
Chương trình tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ với chủ đề “Nhận diện và xử trí bệnh nhân đột quỵ tại cộng đồng dành cho đối tượng học sinh, sinh viên trên toàn quốc” gồm 4 báo cáo: “Dịch tễ học về đột quỵ” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam; “Phòng ngừa và xử trí đột quỵ tại cộng đồng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm Bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não, Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Dự phòng đột quỵ trên người bệnh có bệnh lý tim mạch” - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E; “Hướng dẫn thực hành xử trí đột quỵ trong cộng đồng thông qua mô hình mô phỏng” - Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.