Bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc botulinum tại TP.HCM đã tử vong
Bệnh nhân đã được điều trị tích cực nhưng biến chứng nặng, suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.
Sáng 25/5, thông tin với Người Lao Động, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết người đàn ông 45 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) - một trong 3 bệnh nhân người lớn bị ngộ độc botulinum, đã tử vong sau quá trình điều trị tích cực.
Trước đó, ngày 15/5, người đàn ông này đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu trong tình trạng yếu sức cơ, khó nuốt sau khi ăn một loại mắm để lâu ngày.
Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP.HCM và xác định bị ngộ độc botolinum. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực nhưng biến chứng nặng, suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.
Đêm 24/5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM.
Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị 2 ca ngộ độc botulinum phải thở máy nhận 2 lọ; Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thời điểm nạn nhân tử vong, thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp đã về đến bệnh viện nhưng bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Ngoài ra, Sáng 25/5, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bệnh viện đã nhận được hai lọ thuốc giải độc botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, hai nạn nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại đây sẽ không được chỉ định dùng thuốc, vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Hiện, các nạn nhân đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.
Theo TTXVN đưa tin, thời gian quan, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 ca ngộ độc botulinum do ăn bánh mỳ, chả lụa, mắm ủ lâu ngày.
Đến nay, đã có 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong, 2 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng nặng. Ba trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do đã được sử dụng thuốc giải BAT nên tình hình sức khỏe đang cải thiện dần.
Trước đó, Thông tin từ Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, TP.HCM đơn vị này đã xác minh được cơ sở sản xuất chả lụa gây ngộ độc botulinum cho nhiều người.
Đây là một cơ sở trên địa bàn thành phố Thủ Đức, mới hoạt động được gần 2 tháng và không có giấy phép.
Bác sỹ Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, cho biết sau khi xảy ra vụ việc nhiều người trên địa bàn thành phố Thủ Đức bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa của một người bán dạo, đơn vị này đã tiến hành điều tra và xác minh được cơ sở sản xuất giò lụa gây ngộ độc. Đó là một cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức.
Khi kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu, không có giấy phép và mới hoạt động gần 2 tháng.