Bệnh nhân đột quỵ ngày càng nhiều ở người trẻ Việt Nam

Hiện nay, ngày càng nhiều các trường hợp các bạn trẻ ở độ tuổi 25 - 30 đã phải cấp cứu vì bệnh đột quỵ. Bác sĩ đưa ra những cảnh báo về lối sống thiếu lành mạnh làm tăng nguy cơ bị đột quỵ ở người trẻ: Hút thuốc, dùng chất kích thích và bỏ bê bệnh nền…

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng + Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu Não, Bệnh viện Nhân dân 115, tình trạng đột quỵ trẻ hóa là xu hướng chung toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi ngày đều ghi nhận bệnh nhân dưới 30 tuổi phải nhập viện điều trị đột quỵ. Những người này thường không có các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, nhưng lại sử dụng chất gây nghiện – yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận rõ ràng trong y văn.

“Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ, chiếm đến 10% con số ước tính toàn quốc là 200.000 ca. Chúng ta có hơn 1.000 bệnh viện trên cả nước. Không thể chỉ một bệnh viện đã chiếm 10%. Rõ ràng, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều”, BS Thắng cho biết.

PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng đang chăm sóc cho một bệnh nhân trẻ bị đột quỵ. (Ảnh: Tử Mạnh)

PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng đang chăm sóc cho một bệnh nhân trẻ bị đột quỵ. (Ảnh: Tử Mạnh)

Theo PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ thường gắn liền với các yếu tố nguy cơ kinh điển như cao huyết áp (chiếm 90%), tiểu đường (20%), rối loạn chuyển hóa lipid (60 - 70%), bệnh lý tim mạch như rung nhĩ (10%). Nhưng giờ đây, các yếu tố lối sống đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đẩy nhanh nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Hút thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều đường, mỡ, muối, lạm dụng rượu, bia, chất kích thích, lười vận động, thức khuya kéo dài… là những thói quen xấu nhất dẫn đến đột quỵ ngắn nhất.

“Đáng nói, không ít người trẻ dù đã được chẩn đoán bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch nhưng lại bỏ điều trị giữa chừng. Nhiều bệnh nhân trẻ không chấp nhận việc phải uống thuốc suốt đời nên tự ý ngưng thuốc, không tái khám. Hệ quả là khi đột quỵ ập đến, mọi thứ đều quá muộn”, BS Thắng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" do báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức vào ngày 20/4. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" do báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức vào ngày 20/4. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng lưu ý, có 3 dấu hiệu điển hình để nhận biết sớm đột quỵ, đó là yếu hoặc liệt tay chân một bên, nói đớ và méo miệng. “Nếu xuất hiện một trong ba triệu chứng trên, người dân cần gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ. Mỗi phút, mỗi giây đều rất quan trọng trong việc cấp cứu đột quỵ”, BS Thắng lưu ý.

Ban Tổ chức Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" cảm ơn các đơn vị đồng hành. (Ảnh: Duy Anh)

Ban Tổ chức Hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" cảm ơn các đơn vị đồng hành. (Ảnh: Duy Anh)

BS Nguyễn Huy Thắng đưa ra cảnh báo, trong trường hợp nghi ngờ bị đột quỵ, người dân, người trẻ không nên tự sơ cứu tại nhà, bởi những hành động tưởng chừng vô hại lại có thể làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng. "Nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng các phương pháp sơ cứu dân gian như nặn chanh vào miệng, cắt máu đầu ngón tay hay nhỏ thuốc hạ huyết áp dưới lưỡi. Tuy nhiên, những biện pháp này không chỉ vô ích mà còn tiềm ẩn nguy hiểm" BS Thắng lưu ý.

Nhằm góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những hậu quả do bệnh đột quỵ gây ra, ngày 20/4, báo Tiền Phong phối hợp cùng Bộ Y tế và trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tổ chức Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, báo cáo tham luận của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh, tim mạch, đại diện các Sở Y tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và các bệnh viện tại khu vực phía Nam.

Nhóm PV

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/benh-nhan-dot-quy-ngay-cang-nhieu-o-nguoi-tre-viet-nam-post1735412.tpo