Thứ trưởng Bộ Y tế mong cộng đồng gia tăng kiến thức về đột quỵ để phòng ngừa hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức mong muốn cộng đồng nắm được những kiến thức cơ bản nhất, tổng quát nhất về đột quỵ để phòng ngừa và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Sợ đột quỵ như sợ... ma
Phát biểu định hướng hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" diễn ra sáng 20/4 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã dẫn chủ đề "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" để nói về tính rộng mở cần thiết đối với cộng đồng.
"Nội dung chính của hội thảo qua các bài báo cáo, sẽ đi từ mạng lưới ban đầu, tới phòng ngừa cộng đồng, rồi tới điều trị cơ bản, tận dụng thời gian vàng và điều trị chuyên sâu. Đó là chuỗi từ phòng ngừa đột quỵ cho tới điều trị chuyên sâu, theo đúng chủ đề rộng mở mà ban tổ chức đã lựa chọn", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo.
Thông qua hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức mong muốn cộng đồng nắm được những kiến thức cơ bản nhất, tổng quát nhất về đột quỵ. Ví dụ như các yếu tố nguy cơ, từ yếu tố gia đình tới việc hút thuốc lá, từ đái tháo đường tới tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, chế độ ăn uống, vận động... Khi nắm kỹ, nắm rõ, nắm tường tận, cộng đồng sẽ hiểu để phòng ngừa và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, thực tế cho thấy, trong cộng đồng có không ít người lâm cảnh sợ đột quỵ giống như... sợ ma. Chỉ vì không hiểu, chưa hiểu về bệnh lý đột quỵ mà có người ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng sợ đột quỵ, bản thân bị cao huyết áp là xuất hiện suy nghĩ trong đầu "chắc mình bị đột quỵ tới nơi rồi".
Điểm qua những thực tế ấy, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức khẳng định: "Qua hội thảo này, hy vọng cộng đồng sẽ chuyển từ nỗi sợ sang chủ động phòng ngừa nhờ gia tăng kiến thức về đột quỵ. Hội thảo hôm nay còn có điểm hay là giúp cộng đồng biết được ở đâu có điều trị đột quỵ, những cơ sở phòng ngừa đột quỵ có uy tín trên cả nước...".
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức còn nhắn nhủ tới các cơ sở phòng ngừa đột quỵ trên cả nước: "Khi bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ nên tập trung khám lâm sàng trước khi tầm soát. Điều này giúp tiết giảm những chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, để giảm bớt chi tiêu của người bệnh...".
Tỷ lệ mắc đột quỵ ở Việt Nam cao
Tại phiên toàn thể của hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã trình bày bức tranh toàn cảnh qua báo cáo "Tổng quan tình hình cấp cứu, điều trị đột quỵ tại Việt Nam".
Trong phần trình bày của mình, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa đề cập tới gánh nặng bệnh tật; chính sách, luật pháp, hướng dẫn và các kế hoạch ưu tiên dành cho phòng ngừa, điều trị đột quỵ.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa cảnh báo, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc đột quỵ cao nhất (415/100.000 người).
Còn trong dự báo gánh nặng bệnh tật của thế giới tới năm 2050, có 4 bệnh không lây nhiễm hàng đầu, gồm: Bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, đái tháo đường, tắc nghẹn phổi mạn tính. Trong dự báo này, đột quỵ đứng hàng thứ 2.

TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa báo cáo tại hội thảo.
Liên quan tới chiến lược phòng chống đột quỵ, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa đề cập tới các chiến lược diễn ra trên toàn thể dân số và từng cá nhân, cùng các mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra đối với bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có đột quỵ.
Đối với các hướng dẫn chuyên môn liên quan tới điều trị đột quỵ, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh chia sẻ rằng, trong tháng 5 tới sẽ mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về đột quỵ để cập nhật.
Trước đó, năm 2013, Bộ Y tế đã từng mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về đột quỵ tham gia qua trình soạn thảo bản hướng dẫn điều trị đột quỵ.
Cứ 4 người có 1 người có nguy cơ mắc đột quỵ
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ tại hội thảo rằng: Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đang phải chịu tình trạng cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời.
Do đó, đột quỵ bị xem là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn cầu.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo, ghi nhận ở Hoa Kỳ cho thấy, cứ 10 người bị đột quỵ thì 7 người phải sống cùng các biến chứng sau khi may mắn trị khỏi. Đáng nói là, sống cùng biến chứng của đột quỵ đồng nghĩa với việc không thể trở lại công việc ban đầu (trước khi đột quỵ). Quan trọng hơn, số người trẻ mắc đột quỵ đang ngày càng gia tăng, có người chỉ mới 14 tuổi.
Về mạng lưới điều trị đột quỵ, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng dẫn số liệu từ Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ TPHCM cho thấy, cả nước hiện có 162 trung tâm hoặc đơn vị đột quỵ, trải rộng ở các vùng miền.
Song, theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, không phải trung tâm hay đơn vị đột quỵ nào cũng có thể can thiệp, xử lý chuyên sâu (lấy huyết khối bằng dụng cụ), mà chỉ mới dừng lại ở giải pháp nội khoa (sử dụng thuốc tiêu sợi huyết).
Dịp này, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cũng đề cập tới loạt khó khăn trong phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ. Đồng thời, lãnh đạo Hội Đột quỵ TPHCM cũng gợi ý các hình thức cấp cứu ngoại viện chuyên dụng trong xử trí đột quỵ.
Tại phiên toàn thể, TS.BS Trần Chí Cường - chuyên gia hàng đầu về can thiệp, xử trí quỵ tại khu vực phía Nam cũng đã thay mặt Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trình bày báo cáo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động - mô hình tại S.I.S Cần Thơ".
Tại các phiên chuyên đề, báo cáo viên đến từ các bệnh viện hàng đầu tại TPHCM như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Viện Đào tạo liên tục Đại học Hồng Bàng, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, Hệ thống Y khoa chuyên sâu Bernard... đã trình bày nhiều nội dung thiết thực, hữu ích, giúp cộng đồng gia tăng kiến thức về đột quỵ.