Bệnh nhân phẫu thuật đeo kính thực tế ảo sẽ cần ít thuốc mê hơn
Đã xuất hiện thêm bằng chứng cho thấy kính thực tế ảo (VR) có thể giúp giảm đau trong quá trình phẫu thuật.
Trang tin MIT News đưa tin các nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, Mỹ, vừa công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân đeo kính thực tế ảo sẽ cần ít thuốc mê hơn trong quá trình phẫu thuật bàn tay.
Theo đó, trong khi bệnh nhân thông thường cần trung bình 750,6 miligam propofol - một loại chất an thần - cho mỗi giờ tiến hành phẫu thuật, những người xem nội dung trên kính thực tế ảo để thư giãn (chẳng hạn như thiền, cảnh thiên nhiên và video giải trí) chỉ cần 125,3 miligam.
Nhờ dùng ít thuốc gây mê nên họ cũng tỉnh sớm hơn nhiều so với các bệnh nhân khác. Trung bình, họ sẽ rời khu vực phục hồi hậu gây mê chỉ sau 63 phút ở đây, so với mức 75 phút của người không đeo kính thực tế ảo.
Các nhà khoa học khẳng định kính thực tế ảo đã đánh lạc hướng bệnh nhân, khiến họ để ý ít hơn tới cơn đau - thứ vốn sẽ lấp đầy tâm trí nếu bệnh nhân không đeo kính thực tế ảo.
Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng những người đeo tai nghe có thể đã vào phòng phẫu thuật với tâm lý kính thực tế ảo sẽ trợ giúp họ trong quá trình phẫu thuật, nên điều này có thể gây sai lệch trong kết quả nghiên cứu.
Hiện các nhà khoa học đang có kế hoạch thực hiện các thử nghiệm mới, sẽ đánh giá tốt hơn tác động của kính thực tế ảo với hoạt động gây mê. Ví dụ như trong thử nghiệm mới, bệnh nhân có thể sẽ không được thông báo trước về việc các nhà khoa học đang muốn kiểm tra tác động của kính thực tế ảo tới hoạt động gây mê dành cho họ.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiến hành thêm một số thử nghiệm về tác động của kính thực tế ảo đối với những bệnh nhân được phẫu thuật hông và đầu gối. Cần lưu ý rằng một số thí nghiệm trước đây, chẳng hạn như tại Bệnh viện St. Jospeph ở Pháp, đã cho kết quả rằng công nghệ thực tế ảo có thể giúp hỗ trợ bệnh nhân.
Có thể thấy sức hấp dẫn của công nghệ thực tế ảo đối với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là rất rõ ràng. Bệnh nhân của họ sẽ chịu ít đau đớn hơn và trở về nhà sớm hơn. Trong khi đó, các bệnh viện có thể tận dụng tối đa nguồn thuốc gây mê, giường phục hồi và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Chi phí lớn mà các bệnh viện bỏ ra để sắm những bộ kính thực tế ảo sẽ sớm được hoàn vốn, nếu bệnh viện có nhiều bệnh nhân hơn và cung cấp dịch vụ điều trị chất lượng cao hơn.