Bệnh sởi gia tăng, làm sao để nhận biết và phòng ngừa?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh có thể phát triển thành dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cả người lớn và trẻ em. Các chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu nhận biết để mọi người chủ động có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các dấu hiệu nhận biết sởi

Theo BS.CK2 Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-1, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch lớn. Siêu vi sởi lây qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với nước bọt. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Là bệnh do siêu vi nên sởi có thể tự khỏi nếu không có biến chứng. Hiện nay bệnh sởi đã xuất hiện nhiều nơi tại TP HCM và các tỉnh thành.

Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi khoảng 7 – 10 ngày, trẻ bắt đầu có triệu chứng sốt cao, sổ mũi, ho khan, khàn tiếng, mắt đỏ, nhiều ghèn, mắt mũi lèm nhèm, lừ đừ, khó chịu, mệt mỏi… Sau khi sốt 3 – 4 ngày, trẻ phát ban lan từ trên xuống dưới. Ban khởi đầu từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban sẽ nhạt dần theo thời gian, bong vẩy, tạo thành các vết thâm trên da (vết vằn da hổ). Nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ giảm dần và tự khỏi.

Trẻ cần được thăm khám khi bắt đầu có biểu hiện sốt để được bác sĩ xác định chẩn đoán, xử trí và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc tại nhà. Cách ly để tránh phát tán mầm bệnh, tránh lây lan. Trong quá trình bệnh, trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng: thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất. Tắm và vệ sinh cá nhân sạch sẽ phòng ngừa bội nhiễm.

Bác sĩ Việt chỉ ra các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh sởi gồm: Sốt liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt; Thở mệt, thở nhanh, thở rút lõm, thở co kéo; Có dấu hiệu thần kinh: co giật, rối loạn tri giác, bứt rứt, li bì; Có dấu hiệu mất nước, nôn ói nhiều...

Những biến chứng có thể gây ra bởi bệnh sởi

Còn theo chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh sởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả trẻ em và người lớn nếu người bị nhiễm không có miễn dịch đủ mạnh. Từ đó, bệnh có thể gây sự lan truyền rộng rãi trong cộng đồng và phát triển thành dịch bệnh.

Thông tin từ Thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ em. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, tiêu chảy, viêm não và tử vong. Mặc dù bệnh đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả nhưng bệnh sởi vẫn có thể gây tử vong ở trẻ

Một số biến chứng nguy hiểm, bệnh sởi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị nhiễm bệnh như:

Tổn thương đường hô hấp: Viêm phổi, viêm thanh quản và viêm phế quản là các biến chứng bệnh sởi có thể gây ra ở đường hô hấp.

Tổn thương hệ thần kinh: Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cấp. Chúng có thể gây tử vong và nguy cơ để lại di chứng cho người bệnh nhưng với tỷ lệ rất thấp. Theo thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ, cứ 1000 trẻ bị mắc bệnh sởi thì sẽ có 1 trẻ bị viêm não trong vòng 2 - 30 ngày sau khi bị nhiễm bệnh.

Tổn thương đường tiêu hóa: Bệnh sởi có thể gây viêm niêm mạc miệng ở trẻ. Bệnh này có thể gây cho trẻ các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

Tổn thương tai – mũi – họng: Viêm mũi họng bội nhiễm (viêm nhiễm toàn bộ vùng họng), viêm tai, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa là các biến chứng có thể xảy ra do bệnh sởi. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, bệnh viêm tai giữa là biến chứng phổ biến nhất của bệnh sởi được báo cáo tại Hoa Kỳ. Khoảng 14% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh sởi biến chứng thành bệnh viêm tai giữa.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2007 cũng đã đưa ra con số thống kê rằng bệnh sởi là nguyên nhân gây ra 4% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà người lớn cần lưu ý như sau: Khi trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên nên cho trẻ tiêm vaccine sởi. Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, nên tiêm cho trẻ 2 mũi. Mũi 1 nên tiêm khi trẻ từ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18-24 tháng tuổi. Tiêm đủ vaccine phòng sởi sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của trẻ lên đến 99%, bảo vệ bé an toàn trước sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cả người lớn và trẻ em. Giữ vệ sinh cũng là cách hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus hiệu quả. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách bằng xà phòng. Đồng thời, có thể cho trẻ học cách vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Điều này có thể giúp làm sạch khoang mũi và khoang họng, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đặc biệt ở nơi trẻ thường xuyên vui chơi giúp hạn chế lây lan virus. Đặc biệt, cả người lớn và trẻ em nên tránh tiếp xúc với người có nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi.

Đối với người mắc bệnh sởi, nên sử dụng khẩu trang N95 (loại khẩu trang ôm khít vùng mũi, lọc được ít nhất 95% vi khuẩn, khói bụi tiềm ẩn trong không khí. Người chăm sóc và các nhân viên y tế hay thậm chí cả người khỏe mạnh, cũng nên đeo khẩu trang đầy đủ, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.

"Bệnh sởi lây rất nhanh, lây trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày mới giảm khả năng lây bệnh. Vì vậy rất khó xác định trẻ bị lây khi nào và ai lây cho trẻ. Trẻ nên hạn chế ra khu vực công cộng, cần đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Người lớn cũng cần tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa để không là nguồn lây cho trẻ", bác sĩ Đỗ Châu Việt khuyến cáo.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/benh-soi-gia-tang-lam-sao-de-nhan-biet-va-phong-ngua-post521798.html