Không chủ quan với bệnh cúm mùa

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm, 3-5 triệu ca cúm nặng và 300.000-500.000 ca tử vong. tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số ca mắc ghi nhận quanh năm. Thời tiết miền Bắc đang bước vào mùa Đông - Xuân, thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm.

Phân biệt giữa cảm và cúm

Theo BS Đoàn Thị Khánh Châm - Quản Lý Y khoa vùng 2 miền Bắc của hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cúm và cảm lạnh là hai loại bệnh về đường hô hấp thường gặp với những triệu chứng tương đồng nhau nên dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị. Không lành tính như cảm lạnh, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Ở một cơ thể khỏe mạnh và ở độ tuổi trẻ, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng, nó chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài ngày và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ em và những người thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm cúm cao một khi nhiễm virus cúm thì có thể có những biến chứng như viêm phổi,viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai và có thể dẫn đến tử vong.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, nhiều người thường hiểu sai rằng bệnh cảm và cúm là một. Thực tế, cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thông thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày.

Đôi khi các triệu chứng này bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nhưng nếu chú ý cũng dễ phân biệt là do tính chất cấp tính của bệnh cảm, triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng trong khi viêm xoang và viêm mũi dị ứng là các bệnh mãn tính kéo dài, không dễ thuyên giảm hay dứt hẳn trong vài tuần.

Khả năng lây nhiễm cao

Theo TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính. Bệnh phát triển khi virus cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi. Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh cúm có thể tấn công mọi đối tượng, ở người lớn tỷ lệ là 5-10%, trẻ em là 20-30%. Điểm nguy hiểm của cúm là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ bùng dịch. Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm thường xảy ra vào mùa mưa nhưng vẫn có thể phát tán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Theo các chuyên gia y tế, cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm: Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng cao lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2), cúm A (H5N1).

Cúm B: Giống như cúm A, virus cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về khác biệt, virus cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người và không được phân chia theo loại như cúm A; cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.

Cúm C: Virus cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng gây bệnh với các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và B và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.

Tiêm vaccine phòng bệnh

Cúm mùa là bệnh khá phổ biến, thường có xu hướng lan rộng vào mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), năm nay cúm mùa không còn theo mùa. Có thể là do môi trường thay đổi hoặc do virus cúm đã thích ứng. Từ đầu năm đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận và điều trị cho hơn 2.000 ca mắc. BS Đỗ Duy Cường lưu ý ai cũng có thể mắc cúm mùa, tuy nhiên tuổi càng cao nguy cơ bị các biến chứng do cúm càng tăng... Để phòng bệnh quan trọng nhất là hàng năm phải tiêm vaccine.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đừng nghĩ cúm mùa là bệnh thông thường, không nguy hiểm. Người dân nên tiêm vaccine phòng cúm hằng năm

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-chu-quan-voi-benh-cum-mua-10294171.html