Bệnh sởi tại TPHCM diễn biến phức tạp

Chiều 22/8, ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay, các loại bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng dự báo gia tăng trên địa bàn TPHCM, nhất là khi bước vào năm học mới.

Theo thống kê của HCDC, từ ngày 12/8 đến ngày 18/8 (tuần 33), ghi nhận 100 ca sốt phát ban nghi sởi tăng hơn gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước. Cụ thể, trong 100 ca sốt phát ban nghi sởi có 17 ca xác định phòng thí nghiệm (17%), 61 ca lâm sàng (61%) và 22 ca loại trừ (22%).

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 21/8/2024 là 353 ca, trong đó có 188 ca xác định phòng thí nghiệm, 165 ca lâm sàng. Các quận huyện ghi nhận ca sởi xác định phòng thí nghiệm trong tuần 33 là huyện Bình Chánh (9 ca), quận Bình Tân (6 ca), quận 8 (1 ca) và TO Thủ Đức (1 ca).

Giám đốc HCDC chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, chiều 22/8

Giám đốc HCDC chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, chiều 22/8

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Sở Y tế chỉ đạo, tất cả các đơn vị y tế quyết liệt hơn nữa trong triển khai 2 nhóm hoạt động trọng tâm.

Thứ nhất, kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng gồm các hoạt động như: giám sát phát hiện và khoanh vùng sớm ổ dịch sởi; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động tiêm chủng, rà soát lập danh sách trẻ để mời tiêm chủng vaccine sởi, đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.

Thứ hai, bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng, gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi trên địa bàn TPHCM, ngày 29/7, Sở Y tế tổ chức họp lấy ý kiến các chuyên gia dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trường Đại học Y dược TPHCM,...

Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TPHCM và các tỉnh trong khu vực phía Nam là rất cao. Cần triển khai sớm chiến dịch tiêm bổ sung vaccine, nhằm nâng cao độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

"Một quận – huyện được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch. Như vậy, TPHCM có 8 quận – huyện có dịch sởi và toàn thành phố được tính là có dịch sởi. Từ đó, Sở Y tế đề xuất UBND TPHCM công bố dịch sởi", đại diện Sở Y tế cho hay.

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, việc công bố dịch sởi để các địa phương và ngành y tế có cơ sở triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch và mua sắm thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm...

Đồng thời, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho bé từ 1 - 5 tuổi trên toàn thành phố. Song song đó, đẩy mạnh truyền thông nguy cơ, nêu rõ đối tượng bị tác động và biện pháp dự phòng để người dân không hoang mang.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/benh-soi-tai-tphcm-dien-bien-phuc-tap-10288572.html