Bệnh tay-chân-miệng diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 729 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tăng 30,2% so cùng kỳ năm 2021.
Chỉ tính riêng từ ngày 1/6 đến ngày 30/9, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 295 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, số mắc ghi nhận chủ yếu tại cộng đồng và không xác định rõ nguồn lây. Trong đó, một số địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng cao như thành phố Buôn Ma Thuột, 327 trường hợp, huyện Buôn Đôn, 43 trường hợp; Cư M’gar, 39 trường hợp; Krông Pắc, 37 trường hợp; thị xã Buôn Hồ, 37 trường hợp…
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh tay-chân-miệng trong thời gian qua là do học sinh đi học trở lại trường học và việc giao lưu đi lại giữa các địa phương gia tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, các trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng năm nay chủ yếu ghi nhận trong cộng đồng là chính, còn trong các trường học ít hơn mọi năm nhờ các trường học thực hiện tốt các biện pháp xử lý môi trường, sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19, góp phần hạn chế lây lan bệnh tay-chân-miệng. Tuy vậy, không vì thế mà chủ quan vì các trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng liên tục gia tăng, đặc biệt có những trường hợp nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng.
Trong khi đó, hiện nay bệnh tay-chân-miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu được điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có.
Tuy nhiên, khi phát hiện con em mình mắc bệnh, các bậc phụ huynh không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da và thuốc uống cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng tại nhà, cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng của trẻ để đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, chữa trị kịp thời.
Nhiều trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng sẽ trở nặng rất nhanh, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, giật mình, chới với, nôn ói, có các dấu hiệu thần kinh bất thường cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu nguyên nhân gây bệnh do virus Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi… khi không phát hiện và xử trí kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc, trước diễn biến phức tạp và sự lây lan của bệnh tay-chân-miệng, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã và đang tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, thu dung, điều trị khi cần thiết.
Đồng thời, ngay từ đầu năm học, ngành y tế tỉnh phối hợp ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, mầm non, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và các dịch bệnh trong trường học...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/benh-tay-chan-mieng-dien-bien-phuc-tap-o-dak-lak-post718373.html