Bệnh tiểu đường ở trẻ em nguy hiểm ra sao?

Nhiều người thường nghĩ bệnh tiểu đường (đái tháo đường) chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng ngày càng có nhiều trẻ em mắc bệnh tiểu đường, chủ yếu là tiểu đường type 1.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Xuân Lam, Trưởng khoa Huyết học - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai), kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi bị tiểu đường. Ảnh:H.Dung

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Xuân Lam, Trưởng khoa Huyết học - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai), kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi bị tiểu đường. Ảnh:H.Dung

Trẻ mắc bệnh tiểu đường phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng lớn đến các gia đình, tâm lý, sức khỏe, cuộc sống của trẻ.

Những dấu hiệu nhận biết

Vợ chồng chị N.T.M. (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) hơn 10 ngày qua thay phiên nhau chăm sóc con trai H.H.Q. (15 tuổi) bị bệnh tiểu đường, điều trị tại Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Chị M. cho biết, trước đây con chị nặng hơn 60kg nhưng vài tháng gần đây, H. sụt cân bất thường, chỉ còn 48kg, ăn nhiều nhưng không lên cân. Chị M. cứ nghĩ do con bị áp lực học tập, thi cử nên sụt cân và không để ý. Cách đây khoảng nửa tháng, thấy con có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, chị M. đưa con đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm thì tá hỏa khi con bị bệnh tiểu đường type 1.

Trong khi đó, chị N.T.U. (ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) đã có kinh nghiệm 3 năm chăm sóc con bị bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng cấp tính và lâu dài nguy hiểm như: nhiễm toan ceton, hôn mê tăng thẩm thấu, hạ đường huyết dẫn đến đe dọa tính mạng. Về dài hạn có những biến chứng như: bệnh lý võng mạc dẫn đến mù lòa, bệnh thận đái tháo đường có thể dẫn đến suy thận mạn, bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tiến triển nặng hơn nếu nhiễm trùng…

“Con tôi bị phát hiện bệnh tiểu đường từ năm học lớp 4, không thể uống thuốc được mà phải chích insulin. Cách đây hơn một tuần, cháu thấy mệt mỏi, khó thở nên chúng tôi lại phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm toan, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến suy thận, hôn mê sâu, nguy hiểm đến tính mạng” - chị U. chia sẻ.

Trên giường bệnh, bé V.N.K.U. (con trai chị U.) mệt mỏi, ngủ thiếp đi, da dẻ xanh xao. Bé đã 12 tuổi nhưng chỉ nặng 30kg, cao 1,38m, vài năm nay không tăng cân. Bé K.U. được mẹ chăm sóc, cho ăn theo chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường, không ăn đường, không ăn uống đồ ngọt, hạn chế tinh bột, hạn chế ăn trái cây chín, ăn rau trước khi ăn cơm. Đặc biệt, ngày nào bé cũng phải chích thuốc insulin 4 lần.

Chị U. tâm sự, nhìn con đang tuổi ăn tuổi lớn mà mệt mỏi, uể oải khiến vợ chồng chị rất đau lòng. Chị chỉ mong con mau chóng khỏe mạnh, còn việc học hành có thể tính sau.

Thay đổi lối sống, sinh hoạt, ăn uống để phòng bệnh

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Xuân Lam, Trưởng khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết những năm gần đây, số bệnh nhi bị bệnh tiểu đường điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. Hiện khoa đang quản lý điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi, phần lớn là bệnh tiểu đường type 1.

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Insulin là loại hormone cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng. Bệnh bắt buộc phải điều trị bằng insulin thay thế suốt đời.

Trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1 có những biểu hiện khá rầm rộ và mâu thuẫn như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng sụt cân nhiều. Có những ca nặng sẽ nhiễm toan ceton, bệnh nhân thấy đau bụng, nôn ói, thở nhanh, tim đập nhanh, mất nước, hơi thở có mùi như dung dịch ceton, trẻ lơ mơ, hôn mê, sốc, đe dọa tính mạng.

Đối với bệnh tiểu đường type 2, dấu hiệu thường mơ hồ hơn và được phát hiện tình cờ. Trẻ đa phần nhập viện khi đường huyết tăng cao, khu vực cổ và nách có những vệt màu nâu đen, tăng huyết áp, mỡ máu cao, trẻ gái có bệnh buồng trứng đa nang.

Theo bác sĩ Lam, nhiều gia đình khi biết con bị tiểu đường thường rất sốc, không khí gia đình căng thẳng do cha mẹ chưa hiểu nhiều về bệnh. Trẻ bị bệnh phải có chế độ ăn uống được kiểm soát, hạn chế ăn những món mà trẻ em thường được ăn nên ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của trẻ. Một số trẻ rơi vào trầm cảm, lo âu và cho rằng mình bị kỳ thị.

Ngoài lý do về hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ, bệnh tiểu đường type 1 còn có nguyên nhân do di truyền, yếu tố môi trường (nhiễm phóng xạ, hóa chất). Còn tiểu đường type 2 thường liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, cao huyết áp, lười vận động, không tiêu hao năng lượng.

Để phòng ngừa bệnh tiểu đường type 1, ngoài những yếu tố không thể thay đổi được như di truyền, bác sĩ Trần Xuân Lam khuyến cáo cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc kháng thể cho những trẻ có yếu tố nguy cơ. Từ đó để phát hiện và điều trị dự phòng sớm.

Đối với bệnh tiểu đường type 2, trẻ cần thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tăng hoạt động thể lực ở mức trung bình, khoảng 60 phút/ngày/5 ngày trong tuần. Ngoài ra, nên ăn những thức ăn chứa tinh bột có nguồn gốc tự nhiên như gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, hạn chế ăn các loại tinh bột đã qua chế biến sẵn như các loại bánh, bánh ngọt, giảm ăn muối, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, hạn chế tối đa uống nước ngọt. Ngoài ra, trẻ bị bệnh tiểu đường nên ăn cá, các loại hạt, ăn thịt trắng.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202411/benh-tieu-duong-o-tre-em-nguy-hiem-ra-sao-c260317/