Bệnh tim của tiền vệ Lương Xuân Trường có nguy hiểm?
Ngay sau khi tiền vệ Lương Xuân Trường tiết lộ anh từng phải che giấu thông tin bị bệnh tim để được đá bóng, mạng xã hội đã có nhiều ý kiến cho rằng anh quá liều mạng vì căn bệnh đó có thể gây đột tử ngay trên sân bóng. Để bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh Lương Xuân Trường từng mắc, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ.
Nhịp tim bất thường, khám bệnh bình thường
Lương Xuân Trường sinh năm 1995 tại Tuyên Quang, trưởng thành từ khóa 1 Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, sau đó tỏa sáng trong màu áo U19 Việt Nam, U23 Việt Nam, Đội tuyển Quốc gia... Hiện anh đang đầu quân cho CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Chia sẻ mới đây trên kênh podcast cá nhân, Xuân Trường cho biết trong quá khứ anh từng gặp vấn đề liên quan đến tim mạch. “Từ lúc còn là cầu thủ trẻ 16, 17 tuổi tôi đã phát hiện vấn đề này. Khi tôi vô tình thực hiện một động tác nào đó khiến cơ thể bị hẫng đột ngột thì sẽ rơi vào trạng thái đánh trống ngực và nhịp tim đập nhanh gấp đôi. Sau này tôi mới biết đó là hiện tượng cơn nhịp nhanh trên thất, là một loại triệu chứng của rối loạn nhịp tim”, Xuân Trường nói.
Có vài lần Xuân Trường nói chuyện với các bác sĩ tại Hoàng Anh Gia Lai thì một bác sĩ cho biết nhịp tim tăng lên khi tập luyện là bình thường. Không an tâm, Xuân Trường đến khám bệnh ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Vì không thể làm cách nào để cơ thể rơi vào trạng thái bất thường như đã từng nên kết quả khám bệnh của anh vẫn là bình thường.
“Mỗi lần bị như thế, tôi phải nằm ngửa ra hít thở thật sâu và đều, khi đó nhịp tim đang từ khoảng 180 nhịp/phút, kêu bụp bụp liên tục sẽ giảm dần, chậm lại, rồi bình thường. Còn nếu tôi cứ tiếp tục tập luyện thì sẽ cảm thấy rất mệt. Mỗi lần bị xong cơ thể rất oải, chỉ muốn nghỉ ngay nhưng đa phần tôi vẫn cố hoàn thành nốt buổi tập. Sau này ngẫm lại thấy nguy hiểm thực sự…”, Xuân Trường kể.
Xuân Trường cho biết với vận động viên, vấn đề liên quan đến tim mạch là vô cùng nhạy cảm. Thường thì các vận động viên khi gặp vấn đề tim mạch sẽ được chỉ định dừng lại tất cả các hoạt động thể thao. Cho nên Xuân Trường rất sợ nếu các thầy huấn luyện biết sẽ không cho anh chơi bóng nữa hoặc anh sẽ bị loại khỏi học viện.
“Nên tôi quyết định giấu. Thường khi rơi vào trạng thái đó trong lúc tập, tôi sẽ xin đi vệ sinh. Nhiều hôm vào phòng vệ sinh rồi nằm luôn ra sàn. Có lúc nhịp tim giảm, đập lại bình thường nhưng cũng có lúc không giảm được và tôi phải duy trì điều đó đến hết buổi tập”, Xuân Trường nói.
Khi sang Hàn Quốc khoác áo CLB Incheon United năm 2016, tình trạng bệnh vẫn cứ diễn ra nhưng Xuân Trường ráng chịu đựng vì ngại xin ra ngoài giữa các buổi tập. Trong một buổi tập, chịu đựng không nổi nữa nên Xuân Trường nằm luôn ra sân. Mọi người hỏi thăm thì anh nói dối gặp vấn đề dạ dày do ăn uống. Tuy nhiên, nằm hồi lâu mà vẫn không giảm, Xuân Trường quyết định nói sự thật với kỹ thuật viên y tế của đội bóng và nhờ đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Tại bệnh viện, Xuân Trường không nằm mà ngồi vì sợ nếu nằm cơn rối loạn nhịp tim sẽ biến mất và các bác sĩ Hàn Quốc không thể nhận diện được triệu chứng bệnh. Rất may lần này các bác sĩ chẩn đoán đúng cơn nhịp nhanh trên thất. Xuân Trường phải mổ nội soi để xử lý triệt để. “Bây giờ nghĩ lại tôi lúc đó thật phiêu lưu. Nhưng cũng may mắn sau khi chữa trị, chỉ mất 2 tuần để hồi phục sức khỏe là tôi đã trở lại tập luyện và thi đấu bình thường. Từ đó đến bây giờ tôi không còn rơi vào trạng thái đó lần nào nữa...”, Xuân Trường chia sẻ.
Nhận diện cơn nhịp nhanh trên thất
Theo tư vấn chuyên môn của ThS-BS. Cao Thanh Tâm (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, TP.HCM), nhịp nhanh trên thất là một loại rối loạn nhịp tim thường gặp, gây nên tình trạng nhịp tim nhanh bất thường.
Các yếu tố nguy cơ có thể kích thích khởi phát cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất: một số thuốc điều trị bệnh (một số thuốc xịt điều trị hen, cảm lạnh…), caffeine, rượu, thuốc lá, căng thẳng hoặc cảm xúc tiêu cực…
Các loại rối loạn nhịp tim nhanh trên thất thường gặp: nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất (đây là loại phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở những người thuộc độ tuổi 20 và 30, nữ nhiều hơn nam); nhịp nhanh nhĩ; hội chứng Wolff - Parkinson - White...
Khi xuất hiện cơn nhịp nhanh trên thất, nhịp tim không còn đập theo sự kiểm soát của nút xoang (trung tâm điều khiển nhịp tim tự nhiên của cơ thể). Thay vào đó, một nhịp khác với tần số nhanh hơn xuất phát từ một vị trí khác thay thế cho nhịp xoang. Nơi xuất phát xung nhịp mới này nằm ở một vị trí nào đó phía trên tâm thất, rồi từ đó lan truyền xuống tâm thất. Thời gian mà cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất xảy ra có thể tính bằng giây, bằng phút, bằng giờ, hoặc dài hơn; rồi đột ngột tự biến mất hoặc sau khi được can thiệp.
Các triệu chứng thường gặp của nhịp nhanh trên thất: nhịp tim có thể lên tới 140 - 200 nhịp/phút hoặc thậm chí nhanh hơn (nhịp tim bình thường từ 60 - 100 nhịp/phút); cảm giác đánh trống ngực; chóng mặt hoặc choáng váng, quay cuồng; cảm thấy khó thở; đôi khi có cảm giác khó chịu nhẹ ở ngực; nếu từng bị cơn đau thắt ngực thì rối loạn nhịp tim nhanh trên thất có thể gây khởi phát cơn đau thắt ngực…
“Các triệu chứng của nhịp nhanh trên thất sẽ biểu hiện ra ngoài cho đến khi cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất kết thúc. Một cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất cũng có thể xuất hiện đột ngột, có hoặc không có yếu tố kích thích khởi phát…”, BS. Tâm tư vấn.
Có thể điều trị triệt để
BS-CK1. Trần Ngọc Thúy Hằng (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, TP.HCM) cho biết, nhịp nhanh trên thất có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, tuy nhiên cơn đầu tiên thường xuất hiện ở trẻ em hoặc người trong độ tuổi 25 đến 40.
Khi xác định có cơn nhịp nhanh trên thất, bác sĩ xử trí bằng các phương pháp: thực hiện một số kỹ thuật hoặc dùng thuốc tiêm tĩnh mạch để kiểm soát cơn nhịp nhanh trên thất; sử dụng máy sốc điện để chuyển nhịp cho tim; cắt đốt qua catheter (bằng cách luồn một ống dẫn lưu nhỏ vào trong mạch máu và đưa vào tim, sau khi xác định vị trí gây ra dẫn truyền bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành cắt đốt loại bỏ bó dẫn truyền bất thường này). “Cắt đốt qua catheter là biện pháp điều trị triệt để ở phần lớn các trường hợp bị nhịp nhanh trên thất”, BS. Hằng nói.
Cũng theo BS. Hằng, nếu cơn nhịp nhanh trên thất chỉ kéo dài vài phút rồi tự hết và không làm người bệnh khó chịu nhiều thì không nhất thiết phải đến bệnh viện điều trị. Có thể thay đổi lối sống để làm giảm nguy cơ xảy ra cơn nhịp nhanh trên thất (hạn chế hoặc ngừng sử dụng cà phê và rượu, bỏ hút thuốc lá, nghỉ ngơi đầy đủ…). Nếu vẫn lo lắng thì có thể gặp bác sĩ để được tư vấn hướng dẫn thêm một số phương pháp hoặc kê đơn thuốc giúp làm giảm nguy cơ xảy ra nhịp nhanh trên thất. Với trường hợp bị một cơn rối loạn nhịp tim nhanh trên thất kéo dài hoặc nghiêm trọng, cần nhập viện càng sớm càng tốt để can thiệp kịp thời.
“Nhịp nhanh trên thất rất hiếm khi đe dọa sinh mạng. Tuy nhiên, để an toàn cho sức khỏe thì vẫn nên đến bệnh viện điều trị trong trường hợp nhịp nhanh trên thất kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng đau ngực, khó thở, choáng váng…”, BS. Hằng lưu ý.
Hoài Nam - Nguyễn Hữu