Bệnh tim mạch gia tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, bệnh lý về tim mạch gia tăng hằng năm. Các ca tử vong chủ yếu là do không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Theo đó, ở nước ta mỗi năm ước tính có khoảng 200 ngàn người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong từ nhiều bệnh lý khác nhau được ghi nhận tại các bệnh viện. Riêng tại tỉnh Cà Mau, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, số trường hợp mắc bệnh lý về tim mạch hiện nay có khoảng 30.000 ca. Số thực tế trong cộng đồng còn có thể cao hơn rất nhiều.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu cho bệnh nhân bị hôn mê sâu do mắc bệnh tim mạch.

Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu cho bệnh nhân bị hôn mê sâu do mắc bệnh tim mạch.

Dấu hiệu của căn bệnh tim mạch thường chỉ xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng.

Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Các bệnh không lây nhiễm trong tỉnh ngày càng có dấu hiệu gia tăng, trong đó có bệnh lý về tim mạch. Điều hết sức đáng quan ngại hiện nay là căn bệnh chết người này đang có tốc độ trẻ hóa rất nhanh trong cộng đồng. Số ca tử vong cũng theo đó mà tăng lên”.

Các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thông tin, trong các bệnh lý về tim mạch thì động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Cà Mau cũng là địa bàn có tỷ lệ bệnh tăng huyết áp cao mỗi năm. Một thống kê gần đây cho thấy, bình quân cứ 4 người trưởng thành thì sẽ có 1 người bị bệnh tăng huyết áp. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và nguy cơ tử vong do bệnh lý về tim mạch lên gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh.

Về nguyên nhân số ca mắc bệnh lý tim mạch ngày càng có dấu hiệu gia tăng, theo Bác sĩ Bùi Đức Văn: “Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì... từ đó có nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch (mạch máu), làm tăng huyết áp dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Bên cạnh đó, do nhiều người còn có thói quen ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, bị bệnh đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và thậm chí là thường xuyên phải căng thẳng (stress) do áp lực cuộc sống, cũng đã góp phần không nhỏ khiến cho số ca tim mạch mắc mới thêm gia tăng”.

Y học hiện đại ngày nay đã chứng minh, một người có thể có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ này thường phát triển cùng nhau hoặc một yếu tố xuất hiện trước kéo theo các yếu tố khác cùng phát triển. Một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch càng cao. Tuy vậy, không phải ai có các yếu tố nguy cơ cũng chắc chắn sẽ bị bệnh tim mạch. Điều này còn hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhận ra sớm yếu tố nguy cơ để từ đó theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh hành vi, lối sống phù hợp.

Hiện nay, ngoài các bệnh viện có chuyên khoa tim, Viện tim, thì hầu hết hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đều có thể chẩn đoán được triệu chứng của bệnh lý về tim mạch. Bởi hiện tại, phần nhiều các bệnh lý về tim mạch phức tạp đều có khả năng được chẩn đoán, điều trị kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường, thì người bệnh nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt nhằm phát hiện sớm, chữa trị đúng lúc, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra./.

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/benh-tim-mach-gia-tang-a30585.html