Bệnh ung thư đại trực tràng đang có xu hướng 'trẻ hóa'

Bệnh ung thư đại trực tràng đang có xu hướng 'trẻ hóa', không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ cũng đang trở thành nạn nhân. Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm 'Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam' do báo Nhân dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức vào sáng nay (11/5).

Bệnh ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa

Tại tọa đàm, PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết, ung thư đại trực tràng đang là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Theo thống kê Globocan năm 2022, nước ta ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới, và trên 8.400 ca tử vong do căn bệnh này – xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư.

PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam

PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam

“Điều khiến các bác sĩ như chúng tôi trăn trở là xu hướng “trẻ hóa” của căn bệnh. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng đang trở thành nạn nhân. Lối sống hiện đại – ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, căng thẳng kéo dài – chính là “ngòi nổ” khiến ung thư đại trực tràng bùng phát mạnh mẽ. Nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế thực sự trong tương lai gần”, PGS.TS.BS Vũ Văn Khiên nhấn mạnh.

Trong 5-10 năm trở lại đây, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội ghi nhận số lượng bệnh nhân đến khám vì nghi ngờ ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng, với độ tuổi mắc bệnh có xu hướng trẻ so với trước đây. Tuy nhiên, đa phần người bệnh thường phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn - khi đã xuất hiện triệu chứng rõ rệt hoặc biến chứng, làm giảm hiệu quả điều trị.

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội

Do đó, theo PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, việc tầm soát sớm ung thư đại trực tràng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

“Với hơn 30 năm gắn bó với ung thư học, tôi nhận thấy ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ những tổn thương rất nhỏ, như polyp – những “hạt giống” tưởng chừng vô hại nhưng có thể âm thầm tiến triển thành ung thư qua nhiều năm.

Điều đáng lo là khi bệnh đã đến giai đoạn muộn, chúng tôi thấy các tế bào ung thư xâm lấn sâu vào thành ruột, lan đến hạch bạch huyết, thậm chí di căn xa tới gan hay phổi. Lúc này, cơ hội điều trị thành công giảm đi rất nhiều.

Vì thế việc phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn polyp hoặc ung thư giai đoạn đầu, có thể tăng tỷ lệ sống sót lên đến 93%. Đây chính là lý do vì sao tầm soát là “tấm khiên” mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể sử dụng ngay hôm nay”, PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương cho biết.

Sàng lọc mang đến hiệu quả rõ rệt

Chia sẻ kinh nghiệm về sàng lọc ung thư đại trực tràng ở các nước trên thế giới, PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng – Đại biểu Quốc Hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc, các chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng đã được triển khai rộng rãi ở cấp quốc gia.

Việc tổ chức sàng lọc định kỳ cho người trưởng thành từ độ tuổi 45–50 trở lên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm tăng cao, đồng thời tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư đại trực tràng giảm mạnh.

Tại Hoa Kỳ, sau khi tăng cường độ bao phủ sàng lọc trên toàn quốc, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm hơn 50% trong vòng ba thập kỷ (theo CDC).

PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng – Đại biểu Quốc Hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng – Đại biểu Quốc Hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Ở Anh, chương trình sàng lọc quốc gia giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn sớm lên gấp 4 lần so với trước, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong đáng kể (NHS Bowel Cancer Screening Overview).

Tại Nhật Bản, qua chương trình sàng lọc định kỳ, tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm cũng tăng mạnh, trong khi tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian, giúp giảm tỷ lệ mắc các trường hợp ung thư tiến triển và tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh (National Cancer Center Japan). Những kết quả này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sàng lọc trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát ung thư đại trực tràng tại cộng đồng.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Từ các số liệu dịch tễ và các phương pháp sàng lọc đã được đề cập, PGS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng cho rằng: “Tại Việt Nam nên tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe; đưa các hoạt động sàng lọc lồng ghép vào khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế; Ưu tiên ứng dụng các phương pháp sàng lọc không xâm lấn, dễ triển khai, chi phí hợp lý.

Theo các chuyên gia, hiện nay, trên thế giới có các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng phổ biến như: nội soi đại tràng; Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FIT/FOBT); Nội soi ảo đại tràng; Xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các biện pháp xâm lấn như nội soi chưa được người dân thích ứng do sợ phải uống thuốc tẩy ruột hoặc sợ gây mê... Vì thế, phương pháp xét nghiệm máu trong phân được nhiều người ưa chuộng vì không cần phải thực hiện các biện pháp xâm lấn.

Nguyễn Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/benh-ung-thu-dai-truc-trang-dang-co-xu-huong-tre-hoa-post1198590.vov