Phát hiện giun rồng dưới da cổ người đàn ông thường xuyên ăn gỏi cá

Mắc bệnh giun rồng do thói quen ăn gỏi cá và đồ tươi sống, đồ tái. Khi mới mắc, bệnh giun rồng thường không phát hiện có triệu chứng đặc biệt nào.

Mắc bệnh giun rồng do thói quen ăn đồ tươi sống

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập mới đây nhận được thông tin về trường hợp bệnh nhân T.N.T. (SN 1978, trú tại Thượng Long, Yên Lập, Phú Thọ) bị nhiễm giun rồng.

Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân là xuất hiện nốt rát sẩn màu hồng nhạt trên da vùng hông trái. Sau 5 ngày, nổi thêm đường ngoằn ngoèo nhỏ dài 5-6 cm ở vùng gối trái, da khô, ngứa từng cơn, không chảy dịch, không hóa mủ, không sốt.

Hình ảnh giun rồng di chuyển và phát triển trong các mô dưới da.

Hình ảnh giun rồng di chuyển và phát triển trong các mô dưới da.

Theo tìm hiểu, bệnh nhân có thói quen ăn đồ tươi sống (gỏi cá, đồ tái), uống nước khe núi khi đi khai thác gỗ. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, Trung Tâm Y tế huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) cũng ghi nhận một ca nhiễm giun rồng - một căn bệnh ký sinh trùng hiếm gặp. Đây là trường hợp thứ 6 ghi nhận mắc bệnh giun rồng tại huyện Tân Sơn từ năm 2021 đến nay.

Theo đó, người bệnh nam (44 tuổi, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đến khám trong tình trạng: Sốt nhẹ, ngứa nhiều, xuất hiện các vết phồng rộp, sưng tấy, loét ở da. Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán nhiễm giun rồng.

Bệnh giun rồng là gì?

Theo các chuyên gia y tế, bệnh giun rồng - Bệnh Dracunculiasis hay bệnh giun Guinea được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên và là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu.

Khi mới mắc, bệnh giun rồng thường không phát hiện có triệu chứng đặc biệt nào. Khoảng 1 năm sau khi mắc bệnh, khi giun cái bắt đầu di chuyển và phát triển trong các mô dưới da, người bệnh có thể có các dấu hiệu: Sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú.

Giun rồng là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu.

Giun rồng là một trong những bệnh ký sinh trùng được ưu tiên loại trừ trên phạm vi toàn cầu.

Vài ngày tiếp theo, vết sưng tấy vỡ tiết ra dịch vàng, tại ổ tổn thương phát hiện một đoạn của con giun màu trắng từ trong chui ra ngoài (thường là phần đầu con giun), nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3 - 6 tuần.

Một số trường hợp người bệnh tự kéo nhưng làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc giải phóng ra ngoài lây lan theo đường đi của giun làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe do giun chết trước khi thải ra ấu trùng giun hoặc uốn ván.

Để phòng tránh bệnh giun rồng, các bác sĩ khuyến cáo người dân:

- Không ăn đồ tái, sống (gỏi cá, thực phẩm chưa nấu chín).

- Uống nước đun sôi, đặc biệt là nước lấy từ khe núi, suối.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi làm việc.

- Nếu có triệu chứng bất thường (nổi nốt sẩn, ngứa dai dẳng...), hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Để phòng bệnh giun rồng nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín; thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.

Nam Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/phat-hien-giun-rong-duoi-da-co-nguoi-dan-ong-thuong-xuyen-an-goi-ca-d205965.html