Bệnh uốn ván sơ sinh và cách phòng ngừa
Điều trị uốn ván sơ sinh sẽ kéo dài lâu hơn gấp đôi người lớn vì trẻ miễn dịch kém, khả năng phục hồi hệ thống thần kinh chậm hơn.
Tôi đang mang thai, nghe tin bệnh uốn ván sơ sinh quay lại nên khá lo lắng. Xin hỏi bác sĩ bệnh này nguy hiểm đến đâu, cách phòng ngừa ra sao? (Phan Thị Hoài Phương, 28 tuổi, Đà Nẵng).
Trả lời
Vi trùng uốn ván sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công hệ thần kinh gây tổn thương dây thần kinh tủy sống dẫn đến co giật và co cứng dây thần kinh. Tình trạng bệnh nặng sẽ gây rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn nhịp tim, tăng/tụt huyết áp, nếu không được xử lý phù hợp sẽ gây tử vong.
Điều trị uốn ván sơ sinh sẽ kéo dài lâu hơn gấp đôi người lớn vì trẻ miễn dịch kém, khả năng phục hồi hệ thống thần kinh chậm hơn. Di chứng sau điều trị uốn ván sơ sinh thấp, nếu trẻ được điều trị kịp thời, phù hợp sẽ gần như phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp để lại di chứng điếc hay hẹp thanh quản do thở máy trong thời gian dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến uốn ván sơ sinh như thai phụ không tiêm ngừa thai kỳ, không chăm sóc thai sản đầy đủ hay cắt dây rốn cho trẻ bằng các dụng cụ không đảm bảo vô trùng, chăm sóc rốn sau cắt không vệ sinh...
Để phòng ngừa uốn ván sơ sinh, thai phụ nên thăm khám đều đặn và có kế hoạch chăm sóc thai sản phù hợp, chích ngừa uốn ván đầy đủ. Sau sinh, nên dùng phương tiện đảm bảo vô trùng để cắt dây rốn và chăm sóc rốn sau cắt hợp vệ sinh.
Đặc biệt, nên tiêm ngừa uốn ván cho trẻ từ tháng thứ 3 sau sinh và tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
TS-BS PHAN TỨ QUÝ, Trưởng khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-uon-van-so-sinh-va-cach-phong-ngua-post747351.html