Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc, điều trị bệnh
Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang triển khai hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh. Sau khi nghiên cứu thành công các đề tài, sáng kiến đã được đưa vào ứng dụng điều trị cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bác Sỹ Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào điều trị, chăm sóc người bệnh được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã phát động phong trào nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đến tất cả các khoa, bộ phận tại bệnh viện. Phong trào này được cán bộ, y, bác sỹ nhiệt tình hưởng ứng, hằng năm, đều có hàng chục y, bác sỹ, nhóm nghiên cứu triển khai các đề tài nghiên cứu khoa khoa học. Để đưa khoa học công nghệ vào công tác khám chữa bệnh, mỗi năm chúng tôi cử hơn 100 lượt cán bộ xuống các bệnh viện trung ương để học tập những kỹ thuật mới, tham gia các chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến, hoạt động hướng dẫn trực tiếp từ những y, bác sỹ tuyến trên. Đồng thời, bệnh viện đề xuất Sở Y tế đầu tư các thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khám chữa bệnh được triển khai sâu rộng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sau khi công nhận đều được ứng dụng tại bệnh viện phục vụ công tác chăm sóc, điều trị cho người dân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện 83 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 13 sáng kiến, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 35 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Bên cạnh chủ động nghiên cứu và đưa các kỹ thuật mới vào khám chữa bệnh, bệnh viện đã đề xuất và được đầu tư mới 7 thiết bị chẩn đoán hình ảnh, 3 thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn, 4 thiết bị lọc máu, 5 thiết bị hồi sức cấp cứu, gây mê… với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng chục kỹ thuật mới tiến bộ khoa học công nghệ được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là các phẫu thuật và can thiệp ít xâm lấn như: tán sỏi thận qua da bằng laser, kỹ thuật nội soi, kỹ thuật can thiệp mạch vành, mạch máu não, sinh học phân tử, nuôi trẻ sinh non…
Bác sỹ Vi Hồng Đức, Trưởng Khoa Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng kỹ thuật kết hợp dẫn lưu não thất và sử dụng thuốc tiêu huyết khối Alteplase não thất trong điều trị giãn não thất cấp do chảy máu não thất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” cho biết: Sau khi đề tài Dẫn lưu não thất và sử dụng thuốc tiêu huyết khối Alteplase trong điều trị giãn não thất cấp do chảy máu não thất được nghiệm thu năm 2022, đến nay bệnh viện đã ứng dụng rộng rãi phương pháp này để điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp này làm giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đến 22%, bệnh nhân nhanh hồi phục và không xảy ra biến chứng.
Cùng với đó, hiện bệnh viện đã và đang ứng dụng kỹ thuật tán sỏi qua da bằng laser để điều trị cho người bệnh. Phương pháp truyền thống điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sỏi đường mật là phẫu thuật mổ mở. Phương pháp này thường gây đau, tỷ lệ sỏi sót cao, nhiều biến chứng, bệnh nhân lâu hồi phục sức khỏe. Với phương pháp tán sỏi đường mật qua da bằng laser, người thực hiện phẫu thuật chỉ cắt 1 đường nhỏ trên da để luồn ống thông, đưa ống nội soi, đầu tán laser vào đường mật rồi tán vụn sỏi và hút ra ngoài. Kỹ thuật này cho phép bác sỹ tiếp cận và tán được sỏi ở mọi vị trí của đường mật, kể cả sỏi ở những ống gan nhỏ nhất mà phương pháp mổ mở không thể lấy được. Phương pháp này ít xâm lấn, người bệnh gần như không đau, không để lại sẹo, ít biến chứng, do đó nhanh hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.
Bà Lương Thị Thơm, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cho biết: Tháng 3/2023, tôi nhập viện và được chẩn đoán tắc sỏi túi mật. Tại đây, các y, bác sỹ đã điều trị cho tôi bằng phương pháp phẫu thuật tán sỏi qua da bằng laser. Sau khi phẫu thuật tôi không đau nhiều, vị trí mổ không để lại sẹo, chỉ vài ngày tôi đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác khám chữa bệnh giúp người bệnh được thực hiện những dịch vụ kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên tuyến trên, nhanh khỏi bệnh, giảm thiểu tối đa các tổn thương trên cơ thể, tiết kiệm thời gian, chi phí. Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để đưa những kỹ thuật mới vào ứng dụng, từ đó làm tốt công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.