Bệnh viện huyện miền núi Hà Tĩnh kịp thời cứu bệnh nhân bị nhồi máu não cấp
Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa tiếp nhận và kịp thời cấp cứu một bệnh nhân nam 73 tuổi bị nhồi máu não cấp.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Miêng được BVĐK huyện Hương Khê kịp thời cấp cứu sau khi có các triệu chứng nói ngọng, liệt 1/2 người phải, rối loạn cơ tròn...
Theo đó, trưa ngày 1/8, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hương Khê tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Miêng (73 tuổi, trú tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nhập viện với các triệu chứng nói ngọng, liệt 1/2 người phải, rối loạn cơ tròn, huyết áp 210/100mmHg...
Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Để kịp thời cứu bệnh nhân, ê kíp trực lãnh đạo, bác sỹ và dược sỹ của bệnh viện đã khẩn trương tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp CTscaner sọ não. Kết quả, bệnh nhân Nguyễn Văn Miêng được chẩn đoán nhồi máu não cấp và xác định cần được tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết. Tiếp đó, kíp trực đã kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân Miêng.
Bác sỹ Phạm Mạnh Hà - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Hương Khê) cho biết, sau khi được xử trí, bệnh nhân Nguyễn Văn Miêng đã nói rõ, cử động tay chân tốt, làm các động tác đúng theo yêu cầu của bác sỹ.
Hiện bệnh nhân Nguyễn Văn Miêng đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện, được theo dõi tích cực và điều trị đến khi ổn định.
Nguyên nhân của bệnh đột quỵ do nhồi máu não cấp là do: tăng huyết áp, các bệnh lý về tim, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, nhồi máu não cấp gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia và ít hoạt động thể lực.
Theo các chuyên gia y tế, sau đột quỵ do nhồi máu não, cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, vì thế với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não, thời gian là vàng nên khi thấy có một trong các dấu hiệu sau: tê nửa người, một tay hoặc nửa mặt; yếu (hoặc động tác vụng về, cảm giác nặng nề) nửa người, một tay hoặc nửa mặt; nói khó hoặc khó hiểu lời nói; nhìn mờ hoặc mù; chóng mặt hoặc mất thăng bằng; đau đầu một cách bất thường (có thể kèm nôn và buồn nôn); méo miệng, thì cần nhanh chống gọi cấp cứu để được tư vấn, đồng thời nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong vòng ít nhất 3 giờ đầu để được điều trị tối ưu.