Bổ sung muối I-ốt đủ tiêu chuẩn để phòng ngừa các bệnh do thiếu I-ốt

Theo thống kê, chỉ khoảng 27% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn, thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO. Phụ trách khoa Bệnh không lây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Bác sĩ (BS) chuyên khoa I Trần Huỳnh Đức chia sẻ một số nội dung xoay quanh việc bổ sung vi chất I-ốt vào bữa ăn.

Phóng viên (PV): Thưa BS, I-ốt có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của con người?

BS Trần Huỳnh Đức: Các vi chất dinh dưỡng (VCDD) như I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A,… cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống của con người. Thiếu I-ốt gây sảy thai, đẻ non, đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ, suy giáp sơ sinh.

Thiếu VCDD ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nó không biểu hiện nhanh chóng ra bên ngoài trong một vài ngày, một vài năm mà diễn tiến bệnh âm thầm, dần dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sức khỏe con người. Vì thế, nó còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn, là vấn đề chúng ta cần quan tâm để bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, vi chất cho sự phát triển của con người.

PV: Đối tượng nào bị ảnh hưởng nhất do thiếu I-ốt thưa BS?

BS Trần Huỳnh Đức: Đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi thiếu VCDD là phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh sản, trẻ trong độ tuổi đi học, trong đó, những hậu quả do thiếu I-ốt gây ra như đần độn, thiểu năng trí tuệ không thể nào chữa được.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu VCDD ở nước ta vẫn khá cao, tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn và miền núi khó khăn.

PV: BS có thể chia sẻ những gánh nặng do thiếu VCDD?

BS Trần Huỳnh Đức: Thiếu VCDD tạo ra gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Theo tính toán của các nhà kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu I-ốt, vitamin A và sắt có thể nâng cao được chỉ số thông minh (IQ) của cộng đồng tới 10-15 điểm, giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng gấp rưỡi.

Các chi phí cho điều trị y tế khi bị thiếu hụt, giảm hoặc mất năng suất lao động và các chi phí vô hình khác cho thiếu vitamin A, sắt, kẽm và I-ốt có thể tốn 648 triệu USD/năm. Trong khi đó, bổ sung các VCDD vào thực phẩm với những lợi ích sức khỏe, y tế và xã hội do nó mang lại chỉ cần chi phí khoảng 3 triệu USD/năm.

PV: BS cho biết thực trạng sử dụng I-ốt của người Việt Nam hiện nay ra sao?

BS Trần Huỳnh Đức: Điều tra vào năm 1994, ghi nhận 94% dân số nằm trong vùng thiếu I-ốt, bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22,4%, trung vị Iốt niệu là 3.2mcg/dl.

Tình trạng thiếu I-ốt tại cộng đồng Việt Nam hiện nay (Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Tình trạng thiếu I-ốt tại cộng đồng Việt Nam hiện nay (Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 do Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế tiến hành cho thấy tình trạng thiếu I-ốt đang diễn ra ở 83,8% phụ nữ mang thai và 75,7% ở phụ nữ cho con bú. Bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 14,7%, cao gấp 3 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và cao gần gấp 5 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam là 3,6% khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt. Thiếu máu là 19,6% ở trẻ em dưới 5 tuổi; 25,6% ở phụ nữ mang thai và 24,2% ở phụ nữ cho con bú.

Gần nhất, theo Báo cáo năm 2021 của mạng lưới Toàn cầu về Phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu I-ốt, là 1 trong 10 quốc gia xảy ra tình trạng thiếu I-ốt trong nhóm ưu tiên như phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh sản, trẻ trong độ tuổi đi học. Thống kê cho thấy, mới chỉ có 27% muối ăn sử dụng trong các hộ gia đình tại Việt Nam có sử dụng I-ốt so với mức khuyến cáo 90% của WHO.

PV: Người dân cần làm gì để phòng thiếu VCDD, thưa BS?

BS Trần Huỳnh Đức: Có 3 giải pháp phòng, chống thiếu VCDD gồm: Bổ sung VCDD bằng đường uống; tăng cường VCDD vào thực phẩm và đa dạng hóa bữa ăn nhằm cung cấp đủ VCDD.

Mỗi nhà nên sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày để phòng ngừa các bệnh do thiếu I-ốt gây ra

Mỗi nhà nên sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày để phòng ngừa các bệnh do thiếu I-ốt gây ra

Giải pháp đa dạng hóa bữa ăn có giá thành cao, khoảng 29 triệu đồng/người/năm. Giải pháp này có thể khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD. Tuy nhiên, Nhà nước không thể trích từ ngân sách nguồn kinh phí lớn như vậy để bao cấp cho người dân. Nếu Nhà nước không chi trả thì người dân, đặc biệt là người nghèo cũng không thể bỏ ra một số tiền lớn như vậy để thay đổi và duy trì bữa ăn hàng ngày.

Giải pháp bổ sung vi chất bằng đường uống có giá thành rẻ hơn nhưng cần nguồn kinh phí lớn từ Nhà nước hỗ trợ cung cấp cho người dân hoặc từ túi tiền của người dân. Bên cạnh đó, việc bổ sung bằng đường uống không thuận tiện cho tất cả mọi người.

Còn giải pháp tăng cường VCDD vào thực phẩm có chi phí thấp, sử dụng thuận tiện, có thể áp dụng rộng rãi cho cộng đồng. Nhà nước không phải bỏ chi phí để mua vi chất hay thực phẩm tăng cường VCDD cho người dân mà chỉ xây dựng chính sách để quy định bắt buộc một số thực phẩm phải tăng cường VCDD. Doanh nghiệp được thực hiện trách nhiệm xã hội cùng với Nhà nước trong việc bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ thu hồi chi phí sản xuất từ việc tính vào giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm tăng lên không đáng kể, ở mức mọi người đều có thể chấp nhận được mà người dân lại được thụ hưởng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe.

Tăng cường VCDD vào thực phẩm đang thực hiện tại 10 nước ASEAN. Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác đã thể hiện cam kết tăng cường VCDD bắt buộc trên diện rộng vào thực phẩm.

PV: Được biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, ngày 28 -01-2016 quy định tăng cường VCDD vào thực phẩm. BS có thể thông tin khái quát về kết quả thực hiện Nghị định này?

BS Trần Huỳnh Đức: Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường VCDD vào thực phẩm. Thông tin từ Hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/10/2024 tại Hà Nội, sau 7 năm thực hiện, trên cơ sở báo cáo kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, tình trạng thiếu hụt VCDD trong cộng đồng còn cao, do đó phải có giải pháp để tăng cường hiệu quả can thiệp toàn diện ở cấp độ cộng đồng thông qua đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo mạnh mẽ tình trạng thiếu I-ốt có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cần tiếp tục tăng cường I-ốt vào muối để ăn trực tiếp và trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A vào dầu ăn để bảo đảm phòng, chống thiếu hụt VCDD trong cộng đồng. Đây là biện pháp hiệu quả, bền vững và ít tốn kém nhất.

Trong bối cảnh KT-XH của Việt Nam và mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, giải pháp trung hạn tăng cường các VCDD thiết yếu vào muối và bột mì là lựa chọn tối ưu. Giải pháp này không chỉ bảo đảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận vi chất mà còn kết hợp được nguồn lực từ khu vực công và tư nhân. Điều này đáp ứng yêu cầu cấp bách trong việc giảm nhanh tình trạng thiếu hụt VCDD đáng báo động ở cộng đồng.

PV: Cảm ơn BS!./.

Thanh Bình

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bo-sung-muoi-i-ot-du-tieu-chuan-de-phong-ngua-cac-benh-do-thieu-i-ot-a184991.html