Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mở rộng khu điều trị bệnh sởi
'Hiện nay tất cả các lối đi trong khoa đều có bệnh nhân, kín giường bệnh và võng do quá tải. Chưa có khi nào trong nhiều năm gần đây, số ca bệnh sởi lại đông như thời điểm hiện tại' – bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chia sẻ về tình hình bệnh sởi tại khoa.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sẽ mở thêm một khu điều trị bệnh sởi nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị sởi tại bệnh viện.
Y, bác sĩ làm việc cật lực
Theo bác sĩ Quyền, từ đầu tháng 11, số ca bệnh sởi nhập viện tăng rất nhanh, đa phần bệnh nhân có phát ban, biến chứng viêm phổi, trung bình cứ 100 bệnh nhân sẽ có 10 trẻ phải thở oxy. Mỗi ngày, khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận từ 40-50 ca bệnh nội trú, đa số bệnh nhân chưa được chích ngừa vaccine sởi. Do số lượng bệnh nhân đông nên số ca bệnh nặng cũng nhiều, cứ vài ngày lại có 1 ca phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc để được thở máy và điều trị tích cực.
Về nhân lực, hiện khoa có 7 bác sĩ, bệnh viện điều động thêm 3 bác sĩ ở các khoa, phòng khác đến để hỗ trợ nên về cơ bản, nhân lực bác sĩ đáp ứng vừa đủ. Còn về nhân lực điều dưỡng chưa đủ nên điều dưỡng làm việc rất vất vả.
Điều dưỡng trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Trịnh Thụy Phượng Uyên cho hay, số bệnh nhân tăng nhanh đồng nghĩa với áp lực công việc của điều dưỡng cũng rất cao. Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh nặng nhiều, phải sử dụng nhiều thuốc, điều dưỡng phải thường xuyên truyền, chích thuốc, xét nghiệm định kỳ và theo dõi sát diễn tiến của bệnh.
“Nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng rất nhanh, nhất là suy hô hấp. Vì thế điều dưỡng ngoài làm những công việc thường ngày phải đi thăm bệnh nhiều hơn mức bình thường, phối hợp với người nhà bệnh nhân để theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ trở nặng phải khẩn trương xử lý, thông báo với bác sĩ ngay” – chị Uyên nói.
Đến chiều 3-12, tại khoa Bệnh nhiệt đới đang có 224 bệnh nhân. Để đáp ứng yêu cầu công việc, điều dưỡng trong khoa phải trực tua 3, tức là ngày thứ nhất trực 24 giờ, ngày thứ 2 ra trực, ngày thứ 3 làm ban ngày. Mặc dù vậy, có những ngày việc nhiều, các điều dưỡng phải tối mới về đến nhà.
“Chúng tôi chỉ mong sao người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine càng sớm càng tốt để giảm bớt số lượng bệnh nhân nhập viện và trở nặng. Ngoài ra, chúng tôi mong có thêm nguồn hỗ trợ để nhân viên an tâm, có động lực làm việc tốt hơn nữa” – điều dưỡng Uyên bộc bạch.
Các bác sĩ lưu ý những gia đình có con nhỏ cần đặc biệt quan tâm, theo dõi sát diễn biến sức khỏe của trẻ, không được chủ quan trước những dấu hiệu bất thường của trẻ. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, hụt hơi, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay, kể cả ngày hay đêm, không được chần chừ chờ đến sáng mai, bởi sẽ khiến trẻ trở nặng và có nguy cơ tử vong.
Chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay, số ca bệnh sởi tại bệnh viện liên tục tăng cao, kể cả bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú.
Mặc dù vậy, bệnh viện đã có phương án để tiếp nhận điều trị bệnh sởi tốt, đảm bảo cách ly, không để lây nhiễm chéo bệnh sởi trong bệnh viện.
Cụ thể, bệnh viện có một khu khám ngoại trú, mỗi ngày tiếp nhận từ 250-300 bệnh nhân; có một khu cấp cứu sởi riêng với 6-8 giường bệnh. Ngoài ra, bệnh viện có khu Hồi sức tích cực sởi được thiết kế từ thời dịch bệnh Covid-19 với 15 giường, có đầy đủ trang thiết bị, máy móc, trong đó bao gồm cả máy thở.
Còn ở khu vực nội trú, toàn bộ bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại khu nhà 3 tầng của khoa Bệnh nhiệt đới. Khu vực này có thể tiếp nhận được 250 bệnh nhân. Ngày mai, 4-12, bệnh viện sẽ mở rộng khu điều trị nội trú này thêm 70 giường bệnh. Từ đó sẽ nâng công suất tiếp nhận, điều trị lên hơn 300 bệnh nhân.
Bác sĩ Nghĩa chia sẻ, về cơ bản, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ điều trị bệnh sởi các mức độ được bệnh viện đảm bảo. Bệnh viện cũng đã tập huấn cho các bác sĩ tham gia điều trị sởi.
Về nhân lực điều dưỡng, hiện bệnh viện có khoảng 40-50 điều dưỡng tham gia công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi. Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trong tỉnh hỗ trợ thêm cho bệnh viện 10 điều dưỡng.
“Sáng 4-12, chúng tôi sẽ tập huấn cho 10 điều dưỡng được huy động này để các điều dưỡng nắm bắt các thông tin cần thiết về theo dõi, chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Những điều dưỡng mới sẽ được đưa vào khu điều trị nội trú của khoa Bệnh nhiệt đới. Các điều dưỡng của khoa sẽ trực xen kẽ để hỗ trợ các điều dưỡng mới làm quen với công việc. Như vậy cho đến nay, nhân lực bác sĩ và điều dưỡng phục vụ điều trị sởi tương đối đảm bảo” – bác sĩ Nghĩa cho biết.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh sởi trên địa bàn.
Về các hoạt động khác của bệnh viện, bác sĩ Nghĩa cho hay, do khu vực điều trị bệnh nhân mắc sởi được cách ly riêng nên công tác phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện được đảm bảo. Vì thế mà các hoạt động khám chữa bệnh khác của bệnh viện vẫn diễn ra bình thường.