Bệnh viện thiếu thuốc: 'Dân không thể bị bệnh theo quy trình'
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói, người dân không thể bị bệnh 'theo quy trình', cũng như chờ thuốc, thiết bị y tế 'theo quy trình'.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Ngay cả một số loại thuốc chữa tiền đình, chống nôn vốn không hiếm nhưng cũng không có. Người nhà, người bệnh phải ra ngoài mua, gây tốn kém và khó khăn cho chính đội ngũ nhân viên y tế.
Sự ngừng trệ trong đấu thầu mua sắm ở các bệnh viện công là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi được khơi lên trong thời kỳ dịch bệnh của một vấn đề tồn tại từ lâu trong ngành y.
Chân kiềng lung lay
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam - ngành y có 3 trụ cột để bảo đảm hoạt động là dự phòng, cung ứng và điều trị. Trong đó, cung ứng chính là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và thuốc.
“Ba chân kiềng đó phải được phát triển đồng bộ và quản lý tốt. Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề trong việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói bên lề kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan là chuyên gia ngành dược. Bà cho rằng có rất nhiều vấn đề trong việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Chuyên gia ngành dược này nhấn mạnh rằng “không có bột thì chẳng thể gột nên hồ”. Khi một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, chỉ tay nghề giỏi là chưa đủ, mà cần cả sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật, quan trọng còn là thuốc tốt. Tuy nhiên, các bệnh viện công ở nước ta giờ đây không đủ những yếu tố vật lực đó để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chứ chưa nói đến việc bắt kịp, tiếp cận được những tiến bộ của y học thế giới.
Vấn đề này được nhiều đại biểu ngành y, dược trình bày trước Quốc hội trong các phiên làm việc, đặc biệt là khi thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi). Đây thực sự là cơn khủng hoảng của ngành y tế mà những hệ lụy, ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp cuối cùng đều đổ lên đầu bệnh nhân.
Người bệnh vào bệnh viện được bác sĩ khám, chẩn đoán rồi đến bước chụp, chiếu hay làm gì đó cần đến máy móc thì lại phải ra ngoài, đến các cơ sở dịch vụ, vì bệnh viện không đủ thiết bị. Thuốc bác sĩ kê đơn, bệnh nhân có khi phải đi khắp nơi vẫn không mua đủ. Đó là chuyện có thật.
Nỗi khổ của ngành y
Một trong những nguyên nhân chính có tác động then chốt, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị ở bệnh viện công là bất cập trong cơ chế mua sắm, đấu thầu. Vấn đề này như ngọn lửa cháy âm ỉ và khi đại dịch COVID-19 bào mòn sức chịu đựng, vụ bê bối Việt Á bùng lên đã phơi bày và khiến cho vết bỏng của ngành y càng bị khoét sâu, lan rộng.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, công tác trong ngành dược, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong câu chuyện về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, cơ chế là thứ “hết sức kỳ lạ”. Sự bất hợp lý trong các quy trình, quy định và chưa có luật mang tính đặc thù cho ngành y dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm ở nhiều bệnh viện công gặp trở ngại. Bà Lan gọi "đấu thầu thuốc" là ba từ gây ám ảnh đối với ngành y.
“Đành rằng chậm để chắc chắn là đúng quy trình nhưng như vậy thì không bảo đảm tính kịp thời trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Người dân không thể bị bệnh theo quy trình cũng như chờ thuốc, thiết bị y tế theo quy trình”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói.
Chung quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu trước Quốc hội rằng, 40 năm làm nghề, ông chưa bao giờ thấy luật về y tế khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Trong thời kỳ COVID-19, yêu cầu chống dịch làm bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.
Trong khi khám, chữa bệnh là “cứu người như cứu hỏa”, việc cung ứng chậm trễ khiến các cơ sở y tế phải tự tìm cách xoay sở. Những giáo sư, bác sĩ tay nghề giỏi nhưng năng lực quản lý kém dẫn đến sai phạm. Điều đáng buồn là lỗ hổng trong cơ chế tạo cơ hội cho lòng tham của một số cá nhân có ham muốn trục lợi.
PGS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Quốc hội.
“Cơn bão” Việt Á nổi lên từ đó và làm phát sinh một vấn đề khác tiếp tục kéo chậm quá trình cung ứng thuốc men, trang thiết bị ngành y. Đó là tâm lý sợ sai của các cán bộ ngành y. Họ loay hoay vì "đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh", theo lời của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
“Biết bao nhiêu người bị xử lý hình sự, làm cho rất nhiều cán bộ, nhân viên ngành y tế sợ hãi và không dám làm để rồi cuối cùng là từ chối không mua bán, không có trang thiết bị, thuốc men”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan có chung quan điểm.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí lại cho rằng, thực chất tâm lý ngần ngại đó không phải là nỗi sợ, mà là sự chờ đợi. Đối với việc mua sắm thuốc men, vật tư thiết bị, không phải cán bộ ngành y không muốn làm, mà do thiếu hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên chưa thể làm được. Họ chờ những thay đổi trong cơ chế.
Thay đổi để loại bất cập mua sắm thiết bị y tế
Ngành y tế cần sự thay đổi về hành lang pháp lý để mở ra cánh cửa thoát khỏi cơn khủng hoảng cung ứng, gạt bỏ bất cập trong mua sắm, đấu thầu trang, thiết bị, vật tư, thuốc men. Về điểm này, dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) chưa làm hài lòng các đại biểu ngành y.
“Tôi khẳng định một điều là Luật Khám bệnh, Chữa bệnh đang được thảo luận không đưa ra giải pháp nào cả. Mọi thứ chỉ chung chung là mua sắm theo quy trình, pháp luật” - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói - "Nếu vi phạm lẻ tẻ không nói làm gì, nhưng vi phạm hàng loạt thì phải xem lại luật có vấn đề gì hay không. Rất tiếc, tôi đánh giá ở Luật Khám bệnh, Chữa bệnh lần này, những vấn đề đó đã bị né tránh. Cứ nói chung chung là làm theo pháp luật thì rất đúng, nhưng không dùng được”.
Vị chuyên gia này cho rằng điều đầu tiên cần làm để tạo ra sự thay đổi là phải phân tích, tổng kết lại những vấn đề đã và đang xảy ra. Bà đưa ra ví dụ về giải pháp tháo gỡ nút thắt trong cung ứng thuốc là phải đặt yếu tố hiệu quả sử dụng thuốc lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan bảo hiểm y tế cũng cần được nghiên cứu và thay đổi. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, dù mức thu thuộc hàng thấp nhất thế giới nhưng bảo hiểm y tế Việt Nam phải gánh trách nhiệm “bao cả bầu trời”. Do vậy, chế độ chi trả bảo hiểm y tế cần được tính toán lại.
“Lẽ ra với thực tế thiệt hại cả máy móc và con người như vậy, cho tới giờ phút này, chúng ta phải biết rút kinh nghiệm, để những vấn đề này không lặp lại trong tương lai. Nếu không, chúng ta còn mất người và người dân tiếp tục không được phục vụ đủ", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan kết luận.
Cần lắm sự dũng cảm
Sự thay đổi về hành lang pháp lý là yêu cầu cấp bách nhưng khó có thể được thực hiện, hoàn thiện trong thời gian ngắn. Trước mắt, ngành y vẫn phải tự xoay sở để ứng phó thời cuộc. Sự dũng cảm là điều cần thiết, nhất là trong việc loại bỏ tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc.
“Đấu thầu theo đúng quy định pháp luật, đúng luật đấu giá thì chẳng có chuyện gì xảy ra”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói. Ông nhấn mạnh rằng, nếu khách quan, công tâm và quan trọng nhất là công khai, minh bạch, không bao giờ có sai phạm như bê bối Việt Á.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm: “Nếu vì sợ sai phạm mà thiếu tinh thần trách nhiệm, có tiền mà không dám đấu thầu, đấu giá thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh là vô trách nhiệm, có tội với nhân dân. Khi người bệnh vào bệnh viện mà không đủ trang bị, thuốc men để điều trị kịp thời, lỗi là của bệnh viện. Cán bộ lãnh đạo quản lý mà ngán ngại đấu giá, đấu thầu là hèn nhát, sai quy định nên cũng cấn phải xử lý”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định, đấu thầu đúng quy định thì "chẳng có chuyện gì xảy ra".
Thực tế những năm qua, rất nhiều bệnh viện mua sắm đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế không phải ai cũng mắc sai phạm, mà chỉ có số ít cá nhân tư lợi. Cũng theo lời đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu cán bộ quản lý của ngành y, các bệnh viện không đủ năng lực trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm thì nên nhờ trung tâm đấu giá làm tư vấn, ủy quyền làm giúp để tránh sai phạm.
Ngoài việc gạt bỏ tâm lý sợ sai, ngành y tế cũng cần mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề để có giải pháp sớm nhất trong những lần thảo luận tiếp theo của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi).
“Dịch bệnh đi qua để lại rất nhiều bài học và rõ ràng chúng ta lúng túng. Chính sách của chúng ta về y tế công chưa hoàn thiện, tôi mong rằng sẽ có sự nhìn nhận lại. Hết COVID-19 , không có gì đảm bảo là sẽ không có một dịch bệnh tương tự, thậm chí có thể nặng nề hơn, nên chúng ta phải xem lại”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan kết luận.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế chiều 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan tiếp tục bám sát, đánh giá tình hình, mức độ thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách chính xác, khách quan, trung thực, toàn diện trên cơ sở số liệu thống kê, phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, đưa ra giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/benh-vien-thieu-thuoc-dan-khong-the-bi-benh-theo-quy-trinh-ar683220.html