Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên ứng dụng công nghệ cao trong phẫu thuật tạo hình ổ mắt

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tạo hình thành ổ mắt bằng vật liệu titan ứng dụng công nghệ in mẫu 3D, kết hợp sử dụng hệ thống nội soi và máy chụp C-arm trong mổ.

Đây cũng là lần đầu tiên một bệnh viện tuyến tỉnh tại Việt Nam áp dụng thành công các kỹ thuật hiện đại này vào phẫu thuật tạo hình thành ổ mắt.

Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này là nam thanh niên B.V.H (22 tuổi, trú tại phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Người bệnh có tiền sử đa chấn thương vùng hàm mặt do tai nạn giao thông cách đây một năm. Chấn thương khiến ổ mắt phải bệnh nhân bị biến dạng, lõm sâu, thấp hơn mắt trái gây song thị (nhìn đôi) và ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ khuôn mặt.

Kíp mổ sử dụng hệ thống nội soi hiện đại và máy chụp C-arm di động để thực hiện tạo hình ổ mắt an toàn chính xác cho người bệnh.

Kíp mổ sử dụng hệ thống nội soi hiện đại và máy chụp C-arm di động để thực hiện tạo hình ổ mắt an toàn chính xác cho người bệnh.

Người bệnh luôn cảm thấy tự ti, thị lực suy giảm và gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Sau đó, gia đình đã đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh với hy vọng giúp anh H. lấy lại sự tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong quá trình hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân H. bị tổn thương nhiều thành ổ mắt, khiến cấu trúc giải phẫu bị biến dạng nặng nề, gây thoát vị tổ chức quanh nhãn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả chức năng thị giác và thẩm mỹ vùng mặt. Để phục hồi toàn diện cho người bệnh, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật tạo hình thành ổ mắt bằng lưới titan.

Theo BS.CKI Lê Tuấn Tú - khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chuẩn bị phương án mổ tốt nhất cho bệnh nhân H. với việc ứng dụng công nghệ in 3D và thuật toán ánh xạ hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay.

Đây là công nghệ sử dụng dữ liệu hình ảnh ổ mắt trái (mắt lành) để tái tạo lại chính xác hình thái giải phẫu của ổ mắt phải trước chấn thương, từ đó tạo được sự cân đối giữa hai bên...

Hình ảnh người bệnh trước và sau phẫu thuật 1 tuần (Trước: mắt phải thấp và lõm hơn mắt trái, lệch trục nhãn cầu, mất thẩm mỹ. Sau: Ổ mắt cân đối, hết song thị, cải thiện thẩm mỹ).

Hình ảnh người bệnh trước và sau phẫu thuật 1 tuần (Trước: mắt phải thấp và lõm hơn mắt trái, lệch trục nhãn cầu, mất thẩm mỹ. Sau: Ổ mắt cân đối, hết song thị, cải thiện thẩm mỹ).

Các bác sĩ cho biết, lưới titan là vật liệu lý tưởng trong tái tạo xương vùng hàm mặt nhờ đặc tính nhẹ, bền, dễ tạo hình và có độ tương thích sinh học cao, đặc biệt với các khuyết hổng xương lớn. Việc ứng dụng vật liệu này giúp tăng độ chính xác, đảm bảo độ bền vững lâu dài, an toàn với cơ thể người bệnh.

Ca mổ tạo hình được thực hiện bởi BS.CKI Lê Tuấn Tú - khoa Răng Hàm Mặt và bác sĩ Nguyễn Đình Kỷ - khoa Gây mê hồi sức cùng các cộng sự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi hiện đại, phẫu thuật viên đã đưa tổ chức ổ mắt thoát vị về đúng kế hoạch mô phỏng từ trước. Sau đó sử dụng hệ thống máy chụp C-arm di động để xác định chính xác vị trí đặt lưới, giảm tối đa nguy cơ sai lệch, giúp tạo hình thành ổ mắt thuận lợi.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục nhanh, ổ mắt được tái tạo cân đối, tình trạng song thị cải thiện rõ rệt, khuôn mặt trở lại hài hòa tự nhiên. Kết quả này không chỉ mang lại sự phục hồi về mặt thể chất mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giúp bệnh nhân lấy lại sự tự tin và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bs.CKI Lê Tuấn Tú thăm khám lại cho người bệnh được phẫu thuật tạo hình ổ mắt.

Bs.CKI Lê Tuấn Tú thăm khám lại cho người bệnh được phẫu thuật tạo hình ổ mắt.

BS.CKI Lê Tuấn Tú - khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Để đảm bảo ca mổ được thực hiện an toàn, hiệu quả, chúng tôi đã sử dụng đồng thời hai công nghệ hỗ trợ tiên tiến, gồm: hệ thống nội soi hiện đại và máy chụp C-arm trong mổ. Hệ thống nội soi cho phép phẫu thuật viên quan sát rõ ràng các cấu trúc giải phẫu sâu trong hốc mắt mà không cần xâm lấn quá mức, từ đó giảm thiểu nguy cơ tổn thương mô lành, độ chính xác cao, rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Trong khi đó, hệ thống chụp C-arm sẽ cung cấp hình ảnh X-quang theo thời gian thực, giúp bác sĩ kiểm tra và định vị chính xác vị trí của lưới titan trong suốt quá trình mổ, đảm bảo lưới titan đúng vị trí như kế hoạch trước mổ, đảm bảo cuộc mổ an toàn nhất".

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-tuyen-tinh-dau-tien-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-phau-thuat-tao-hinh-o-mat-169250509200414303.htm