Bệnh xá Trường Sa: Tạo niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển
Trong những năm qua, Bệnh xá Trường Sa đã tiếp nhận, khám, chữa bệnh và cấp cứu cho hàng nghìn bệnh nhân, bảo đảm an toàn tuyệt đối, từ đó tạo thêm niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Miễn phí khám, chữa bệnh cho ngư dân
Ngoài 7 giờ tối, khi các đại biểu Đoàn công tác số 16 cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa đang tập trung tại cột mốc chủ quyền để giao lưu văn nghệ, tôi nhận được tin nhắn của Đại úy, Thạc sĩ Lã Văn Tuấn, Chủ nhiệm Quân y phụ trách Bệnh xá đảo Trường Sa theo lời hẹn lúc chiều. “Đồng chí rảnh lúc nào gọi điện lại cho tôi, anh em trao đổi công việc”, Đại úy Lã Văn Tuấn nhắn.
Tôi gặp Đại úy Lã Văn Tuấn tại phòng trực chỉ huy đảo. Sau vài lời trao đổi, Đại úy Lã Văn Tuấn lấy xe đạp chở tôi ra xa, tới gần Nhà tưởng niệm Bác Hồ để tránh tiềng ồn ào do âm thanh lớn.
Qua ít phút ngượng ngùng, Đại úy Lã Văn Tuấn mở lòng chia sẻ về hoạt động của bệnh xá, công tác khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, cho ngư dân đánh bắt trên quần đảo Trường Sa, cũng như cái duyên đến với nghề y, đến với Trường Sa thân yêu.
Đại úy Lã Văn Tuấn sinh ra và lớn lên tại Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Tốt nghiệp THPT năm 2006, anh thi và đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo học được một năm, do kinh tế khó khăn, chàng sinh viên Lã Văn Tuấn quyết định bỏ học giữa chừng để ôn luyện, thi và đỗ vào Học viện Quân y, đào tạo hệ quân 6,5 năm. Tháng 3/2014, anh tốt nghiệp loại khá, được phong quân hàm Trung úy và được tổ chức phân công công tác tại Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh), là bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát.
Công tác được 4 năm, anh tiếp tục theo học Thạc sĩ Ngoại Khoa tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Ngày 28/4/2022, anh nhận bằng tốt nghiệp. Đây cũng chính là ngày anh nhận quyết định phân công ra công tác tại đảo Trường Sa.
Chia sẻ về lý do lựa chọn Trường Sa để công tác, mà không phải một đơn vị khác có điều kiện tốt hơn, cơ hội phát triển hơn, Đại úy Lã Văn Tuấn ngắn gọn hai lý do: Một là sức trẻ muốn trải nghiệm; hai là để phục vụ quân, dân, phục vụ đất nước. Vì vậy, anh đã quyết định xung phong ra Trường Sa.
Đại úy Lã Văn Tuấn cho biết, Bệnh xá Trường Sa là trung tâm của quần đảo Trường Sa, nên được đầu tư trang thiết bị, máy móc khá đầy đủ. Về nhân sự, các bác sĩ đều được lấy từ Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh), có trình độ chuyên môn sau đại học; các điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa. Vì vậy, bệnh xá có thể bảo đảm phẫu thuật các kỹ thuật tương đương bệnh viện hạng 2 trong đất liền, như: Triển khai mổ cắt ruột thừa, vỡ gan, vỡ ruột, vỡ lá lách, xử lý cấp cứu chấn thương ngực kín, gãy xương sườn, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não, vết thương phần mềm…
Theo Đại úy Lã Văn Tuấn, ngoài những bệnh thông thường như đau dạ dày, viêm khớp, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn tiền đình, Bệnh xá đảo Trường Sa còn tiếp nhận và điều trị một số bệnh đặc thù của nghề biển như giảm áp, hội chứng giảm áp, một số bệnh do sinh vật biển gây ra, hay dị ứng sứa cắn, ngộ độc thực phẩm. Do đặc thù lao động nặng, Bệnh xá Trường Sa còn tiếp nhận và điều trị một số bệnh như gãy chân, gãy tay, vết thương phần mềm diện rộng, chấn thương bụng kín, chấn thương ngực kín, một số trường hợp chấn thương sọ não.
Trong năm 2022, bệnh xá đã tiến hành khám chữa bệnh cho 1046 lượt, cấp cứu 30 lượt, thu dung điều trị 36 lượt, khám cấp thuốc điều trị 1370 lượt; vận chuyển về tuyến sau 15 ca, trong đó có 02 ca vận chuyển bằng máy bay, 8 ca vận chuyển bằng tàu quân sự, 5 ca vận chuyển bằng tàu cá. 5 tháng đầu năm 2023 khám chữa bệnh 668 lượt, cấp cứu 22 lượt, thu dung điều trị 22 lượt, cấp thuốc điều trị 646 lượt; vận chuyển về tuyến sau 9 ca, trong đó có 02 ca vận chuyển bằng máy bay, 6 ca vận chuyển bằng tàu quân sự, 01 ca bằng tàu cá.
Đại úy Lã Văn Tuấn, Chủ nhiệm Quân y Đảo Trường Sa cho biết, tất cả người dân đánh bắt trên ngư trường khi vào cấp cứu tại Bệnh xá Đảo Trường Sa đều được tiếp nhận điều trị và cấp, phát các loại thuốc điều trị miễn phí, từ chi phí sinh hoạt tới chi phí khám chữa bệnh.
Đối với trường hợp phương tiện, con người ngoài đảo không bảo đảm để cứu chữa bệnh nhân một cách an toàn nhất, Bệnh viện Quân y 175 sẽ kết hợp với Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) và Quân chủng Hải quân để vận chuyển bệnh nhân vào bờ. “Những trường hợp vận chuyển an toàn bằng tàu sẽ vận chuyển bằng tàu. Trường hợp tối khẩn cấp, nguy cấp tới tính mạng có thể điều động trực thăng. Mọi chi phí điều trị ngoài bệnh xá cũng như chi phí vận chuyển vào bờ đều được Nhà nước hỗ trợ 100%”, Bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết.
Truyền máu trực tiếp cứu cánh tay người bệnh
Do có thời gian công tác ở trong đất liền, được huấn luyện về y học hải quân, y học dưới nước, y học biển, nên công tác điều trị cho bệnh nhân của bác sĩ Lã Văn Tuấn ngoài đảo tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, quá trình điều trị, các bác sĩ tại Bệnh xá Trường Sa còn được Bệnh viện Quân y 175 chỉ đạo trực tiếp chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành, các lĩnh vực qua hệ thống trực tuyến Telemicin. Khi có bất thường, sẽ huy động mọi nhân lực, mọi điều kiện tốt nhất ở đất liền để chỉ đạo điều trị bệnh nhân ngoài đảo.
Theo Bác sĩ Lã Văn Tuấn, đối với bệnh nhân nội trú, bệnh xá đảo đều ghi lại thông tin cá nhân của bệnh nhân và người nhà. Trường hợp nào xuất viện, hoặc chưa khỏi hẳn, mà bệnh nhân xin xuất viện bác sĩ sẽ thường xuyên gọi điện để nắm tình hình. Đối với bệnh nhân ngoại trú, khi bệnh nhân vào khám, bác sĩ cũng cho số điện thoại. Trong quá trình điều trị bác sĩ sẽ theo dõi hằng ngày, bệnh nhân có thể gọi bác sĩ để trao đổi lại.
Kể về những kỷ niệm trong gần một năm công tác tại Trường Sa, bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết không thể quên được trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn Hải (SN 1980, quê quán Phú Quý, Bình Thuận), được Bệnh xá Trường Sa tiếp nhận và cấp cứu vào ngày 18/4/2023 – đúng thời điểm Đoàn công tác kiều bào đang có chuyến thăm quân, dân tại quần đảo Trường Sa.
Theo đó, quá trình đánh bắt trên đảo Đá Lát, có một tàu mắc cạn, ngư dân đã dùng dây nối vào để kéo tàu. Quá trình kéo, dây bị đứt bắn vào người gây chấn thương cho ngư dân Đỗ Văn Hải.
“Bệnh nhân Đỗ Văn Hải được chẩn đoán gãy hở độ IIIB xương cánh tay phải có tổn thương mạch máu, thần kinh cánh tay, gãy nền xương đốt 1 ngón 5 tay phải, gãy kín xương mắc chân trái; vết thương phần mềm da dầu, cánh tay phải, cẳng tay trái; bầm dập, tụ máu 1/3 dưới đùi, gối trái; thiếu máu do tai nạn lao động trong 4 giờ”, Bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết.
Theo bác sĩ Lã Văn Tuấn, việc tổn thương động mạch thần kinh ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng cánh tay, nguy cơ phải cắt cụt cánh tay tại đảo. “Bệnh nhân Hải xác định chắc chắn phải truyền máu ngoài này. Không có phương pháp nào khác. Nếu không, nguy cơ phải cắt cụt cánh tay tại đảo. Tuy nhiên, bệnh xá lại không có máu dự trữ”, bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết.
Để cố gắng cứu cánh tay của bệnh nhân Đỗ Văn Hải, Bệnh xá Trường Sa đã phối hợp với chỉ huy đảo thông báo trên loa, phát động cán bộ, chiến sĩ trên đảo xem ai có nhóm máu phù hợp khẩn trương tới khám, sàng lọc để hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân. Bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết, kỹ thuật truyền máu trực tiếp rất phức tạp, rất nguy hiểm, dễ gây sốc phản vệ, không phải nhân viên y tế, cơ sở y tế nào cũng làm được, thậm chí là trong đất liền.
Khoảng 30 phút sau khi phát loa, có hai đồng chí có nhóm máu phù hợp, đủ điều kiện sức khỏe sẵn sàng hiến máu, cứu được tính mạng và cánh tay ngư dân Hải. Hiến máu trực tiếp thành công, hai ngày sau, tiên lượng đã cứu được cánh tay bệnh nhân, bệnh xá quyết định chuyển bệnh nhân vào bờ để tiếp tục điều trị. Hiện bệnh nhân đã ổn định, bảo tồn được cánh tay, chức năng hồi phục hoàn toàn bình thường.
Qua trình điều trị, bác sĩ Lã Văn Tuấn cho biết, bệnh nhân không phải chủ tàu, vợ ở nhà làm phụ hồ, có điều kiện vô cùng khó khăn. Biết được hoàn cảnh của bệnh nhân, Quân chủng Hải quân đã kết hợp với đoàn công tác kiều bào động viên bệnh nhân, vận động đoàn hỗ trợ kinh phí, bảo đảm điều kiện tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân.
Bên cạnh những thuận lợi, Bệnh xá Trường Sa cũng gặp một số khó khăn trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân mắc bệnh giảm áp, hội chứng giảm áp. Cụ thể, theo bác sĩ Lã Văn Tuấn, bệnh này thường gặp ở ngư dân tàu lặn, lặn xuống biển để bắt cá. Hiện Bệnh xá Trường Sa chưa có hệ thống tái tăng áp để cấp cứu bệnh nhân.
“Bệnh này khi bị sẽ gây bóng khí trong lòng mạch, gây tắc vi mạch, có thể gây tổn thương tới tất cả các cơ quan, đặc biệt là mạch tim, mạch phổi, mạch thi thể, có thể không hồi phục, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới lao động sau này của bệnh nhân. Để cấp cứu, điều trị bệnh này, phải có hệ thống tái tăng áp. Nếu không có hệ thống, bệnh nhân bắt buộc phải chuyển vào bờ”, bác sĩ Lã Văn Tuấn chia sẻ.