Bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên được giải mã, hướng đến phục dựng?
Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở khoa học tin cậy để xác định, kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng và ngói rồng men vàng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Kiến trúc đấu củng và ngói rồng men vàng
Điện Kính Thiên được biết đến là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: Lễ Đăng cơ, lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình. Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.
Để giải mã được điện Kính Thiên, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Kinh thành chọn nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái và các loại ngói lợp mái. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành Bùi Minh Trí, trải qua hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra tại xung quanh điện Kính Thiên đã có những phát hiện mới, giá trị lớn trong việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long. Đặc biệt, các nhà khoa học đi đến kết luận kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúcđấu củng. Đây được xem là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Các công trình kiến trúc đấu củng tiêu biểu còn lại như: gác chuông chùa Keo (Vũ Thư, Thái Bình), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), điện Thánh chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội), cùng một số tàn dư đấu củng ở chùa Kim Liên (Ba Đình, Hà Nội), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương). Đây là những hình ảnh minh chứng xác thực rằng, kiến trúc đấu củng là một loại hình kiến trúc từng tồn tại trong lịch sử kiến trúc cổ Việt Nam.
“Đấu củng là một phát minh của người Trung Hoa từ thời Xuân Thu hơn 2.500 năm về trước, có ảnh hưởng lan tỏa sang các nước đồng văn ở Đông Á. Tại Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, kiến trúc cung điện cổ của các triều đại trong các kinh đô còn tồn tại đến ngày nay đều phổ biến là loại kiến trúc đấu củng. Thực tế, các kiến trúc gỗ truyền thống của miền Bắc hiện còn phổ biến là ở các công trình kiến trúc tôn giáo, có kết cấu bộ khung kiểu kẻ truyền hay chồng rường, chồng rường giá chiêng. Một số loại hình kiến trúc đấu củng còn lại ngày nay là khá hiếm hoi. Các kết luận được đưa ra dựa trên những hình vẽ về kiến trúc đấu củng có hai tầng mái và bộ mái kiểu "mái hông đầu hồi" trong lòng chiếc đĩa đài lớn vẽ nhiều màu có niên đại thế kỷ XV tìm thấy trên tàu đắm Hội An” – PGS. TS Bùi Minh Trí cho biết.
Bên cạnh đó, từ nghiên cứu của các nhà khoa học đưa ra khẳng định, các cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ có nhiều kiến trúc lợp ngói men vàng và men xanh lục, trong đó ngói rồng men vàng là loại cao cấp nhất và được sử dụng để lợp trên mái kiến trúc cung điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long, đó là tòa điện Kính Thiên. Ngoài ra, nghiên cứu hình vẽ trên đồ gốm, khám thờ chùa Bà Tấm các nhà khoa học suy đoán: bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế theo kiểu Trùng diêm Yết sơn đỉnh, là loại mái hông có hai đầu hồi. Đây là kiểu mái đặc trưng của kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.
Cần thêm thời gian, không phục dựng ngay
Trải qua thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra những kết quả ban đầu để giải mã kiến trúc điện Kính Thiên - một di sản để lại có giá trị to lớn về mặt lịch sử. Tuy nhiên, để phục dựng được điện Kính Thiên theo đúng nguyên bản là câu chuyện dài, không phải một sớm một chiều. Theo PGS.TS Bùi Minh Trí dù chắc chắn về kết quả nghiên cứu dựa trên nhiều cơ sở khoa học tin cậy và có tính xác thực nhưng còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc, có nhiều vấn đề cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng một cách chi tiết trong tương lai.
“Kết quả nghiên cứu về kiến trúc điện Kính Thiên được công bố không phải để mang ra phục dựng, mục đích để mọi người hình dung, cảm nhận về kiến trúc điện Kính Thiên mang vẻ đẹp tráng lệ đầy uy quyền. Các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu kiểm chứng để thực hiện, trước khi nghĩ tới dựng lại theo mô hình được vẽ ra bởi tính thận trọng trong khoa học là hết sức quan trọng" – PGS. TS Bùi Minh Trí nhận định.
Trước đó, năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phục dựng hình ảnh 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Hình ảnh này đã được trình chiếu dưới khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Từ năm 2016-2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng 3D tổng thể hình thái kiến trúc thời Lý của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Phan Chí Hiếu, từ kết quả khai quật hiện vật tại khu Hoàng thành Thăng long, thông qua công nghệ và quá trình nghiên cứu sâu sắc của các nhà khoa học đưa kết quả ban đầu giúp mỗi người có thể hình dung được văn hóa, trí tuệ của con người Việt Nam trong giai đoạn trước.
“Mỗi người có quyền tự hào về cha ông với trí tuệ, tầm vóc lịch sử thông qua các di sản có giá trị to lớn như điện Kính Thiên cũng như các công trình khác. Các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để có luận giải hơn nữa về kiến trúc các công trình để hướng tới việc phục dựng. Những người nghiên cứu khoa học mơ ước một ngày nào đó nhận được sự đầu tư thích đáng trong việc phục dựng điện Kính Thiên một chân thực để giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử” – ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,8m, gian hai bên rộng 4,2m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2, trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.