Bí ẩn về thứ 2.000 năm vẫn nguyên vẹn ở các phế tích Maya

Bên trong nhiều phế tích, bao gồm những nơi được xây dựng từ trước Công nguyên, có một thứ vẫn rực rỡ bất chấp thời gian: Màu xanh Maya.

Theo Live Science, một cuộc điều tra theo phong cách Sherlock Holmes đã tiết lộ phương pháp cổ xưa để tạo ra sắc tố tuyệt đẹp và huyền bí: Màu xanh Maya, một sắc tố "bất tử".

Màu xanh Maya mang sắc độ tươi sáng của bầu trời. Những cổ vật được phủ sắc tố này - từ các bức tranh tường, đồ gốm dùng trong lễ hiến tế - vẫn rực rỡ cho đến khi được các nhà khảo cổ hiện đại khám phá.

Một bức tranh tường có nền sơn màu xanh Maya rực rỡ - Ảnh: Ricardo David Sánchez

Một bức tranh tường có nền sơn màu xanh Maya rực rỡ - Ảnh: Ricardo David Sánchez

Màu xanh Maya chủ yếu được tìm thấy tại các phế tích thuộc thời kỳ Tiền cổ điển muộn (năm 300 trước Công nguyên đến năm 300 sau Công nguyên).

Như vậy, những vật mang sắc tố này đã trải qua trên dưới 2.000 năm lịch sử mà không bị phai màu, ngay cả trong môi trường rừng nhiệt đới khắc nghiệt, ẩm thấp ở miền Nam Mexico và Guatemala

Theo các nhà nghiên cứu, màu xanh Maya là một sắc tố rất khác thường vì nó là hỗn hợp của màu chàm hữu cơ và một loại khoáng sét vô cơ gọi là palygorskite.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng giải mã phương pháp chính xác để sản xuất màu xanh Maya, nhưng không thành công.

Mãi đến năm 2008, một nhóm nghiên cứu mới tìm ra chìa khóa của màu xanh này là một loại nhựa cây thơm gọi là copal. Công trình này do nhà nhân chủng học Dean Arnold từ Bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ), dẫn đầu.

Mới đây, tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khảo cổ học Mỹ, TS Arnold cho biết ông đã tìm ra một câu trả lời đầy đủ hơn cho màu xanh huyền bí.

Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng một tá chén của người Maya được tìm thấy tại di chỉ Chichén Itzá (Mexico), nhà khoa học này nhận ra rằng cặn trắng trong đó có thể là palygorskite - một khoáng sét silicat ngậm nước - được nghiền khi ướt.

Kiểm tra bằng kính hiển vi 12 chén khác còn cho thấy dấu vết của các mẩu cành cây bị cháy, cũng như dấu vết nung nóng dưới đáy chén.

TS Arnold cho rằng màu xanh Maya đặc biệt quan trọng trong các lễ vật hiến tế cho thần mưa Chaak của người Maya (còn được viết là Chaac và Chac) trong thời kỳ hạn hán.

Ngoài palygorskite và copal, công thức tạo nên màu xanh còn có indigo, loại sắc tố xanh tự nhiên được chiết xuất từ lá của các loài cây thuộc chi Indigofera (chàm) mà chúng ta vẫn quen gọi là màu chàm.

Việc trộn màu chàm, palygorskite và copal trong chiếc chén có thể được người Maya coi như hiện thân của thần mưa Chaak bên trong chén. Việc mà hỗn hợp này được đun nóng để tạo ra sắc tố bất tử có thể cũng mang tính nghi lễ.

Tuy nhiên, câu đố về màu xanh Maya chưa được giải quyết hoàn toàn. Các nhà khoa học vẫn cần phân tích rõ hơn tàn tích thực vật trong những chiếc chén này để tìm hiểu chính xác chi và loài thực vật nào đã giúp tạo ra công thức kỳ diệu này.

Thu Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-an-ve-thu-2000-nam-van-nguyen-ven-o-cac-phe-tich-maya-196250508112505264.htm