Bị cáo Trương Mỹ Lan nói đủ sức khỏe tham gia phiên tòa
Sáng 5/3, HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát tiến hành kiểm tra lý lịch các bị cáo. Bà Trương Mỹ Lan cho biết, tinh thần ổn định, sức khỏe tốt để dự tòa.
Xem clip lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan:
Xem clip dẫn giải các bị cáo đến TAND TP.HCM:
Sáng ngày 5/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng chồng là ông Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo liên quan đến vụ án.
Từ sáng sớm, hàng trăm cảnh sát được huy động tới bảo vệ phiên tòa nhằm đảm bảo an ninh một cách tuyệt đối. Xung quanh tòa, các chốt cảnh sát cũng được dựng lên. Lực lượng công an phường, bảo vệ dân phố cũng được huy động tới các điểm chốt.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thu hút sự quan tâm lớn của dư luận nên các phóng viên cũng có mặt từ sớm để đưa tin về vụ việc một cách nhanh chóng tới độc giả.
Luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan xin cho thân chủ được mang bút
Cuối giờ xét xử buổi sáng, Chủ tọa phiên tòa đã giải thích về quyền, nghĩa vụ của những người liên quan, bị hại trong vụ án. Đồng thời, chủ tọa hỏi ý kiến của các luật sư. Ông Phan Trung Hoài (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trương Mỹ Lan) có ý kiến, vì lý do sức khỏe của thân chủ nên có thể cho phép bị cáo này ngồi để trả lời thẩm vấn.
Cũng bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, Luật sư Giang Hồng Thanh trình bày, mong HĐXX cung cấp giấy bút cho thân chủ ghi chép.
Về vấn đề này, Chủ tọa nói rõ, đây là liên quan đến vấn đề bảo vệ bị cáo tại phiên tòa nên luật sư có thể cung cấp giấy, bút cho bị cáo Lan, khi lực lượng Cảnh sát tư pháp đồng ý.
Nữ luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh (bào chữa cho ông Chu Lập Cơ) xin tòa cho mình tiếp cận thân chủ để trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, luật sư nói ông Cơ đã lớn tuổi, sức khỏe yếu xin tòa cho người này ngồi trong quá trình xét xử.
Luật sư Nguyễn Minh Hải (bào chữa cho ông Nguyễn Cao Trí) cũng ý kiến, bị cáo Trí có nhiều bệnh, đặc biệt có bệnh cột sống nên đề nghị cho bị cáo Trí vắng mặt trong các buổi xét xử có các phần không liên quan và khi có mặt có thể ngồi để trả lời, trình bày.
Về tình hình sức khỏe của các bị cáo trong vụ án như trên, chủ tọa cho biết, sẽ tạo điều kiện cho các bị cáo tùy vào tình hình sức khỏe, trong đó bị cáo Nguyễn Cao Trí được ngồi để trả lời.
Ngoài ra, chủ tọa cũng khuyến cáo các luật sư trong vụ án phải có mặt trong trong suốt các buổi xét xử.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí là người cuối cùng lên bục khai báo
11h26: Ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Capella) khai mình bị cột sống và một số bệnh. HĐXX cho biết nếu quá trình xét xử sức khỏe không đảm bảo, bị cáo Trí cần báo lại cho tòa biết.
Tại tòa, ông này khai mình sinh năm 1970 tại Lâm Đồng, còn nơi cư trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Bị cáo khai có 5 người con, con nhỏ nhất sinh năm 2023. Ông Trí nói bản thân không có tiền án, tiền sự và bị bắt tạm giam vào ngày 24/2/2023. Ông này bị cáo buộc chiếm đoạt của bị cáo Trương Thị Mỹ Lan số tiền 1.000 tỷ đồng.
HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch các bị cáo
Từ 8h47, thư ký phiên tòa thông báo về những người có mặt trong phiên tòa. Cụ thể 79/86 bị cáo có mặt. Về bị hại trong vụ án là ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan có mặt. Ngoài ra còn có mặt 916 người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Là người lên bục khai báo đầu tiên, bà Trương Mỹ Lan tỏ ra bình tĩnh, cúi đầu chào HĐXX rồi nhẹ nhàng trả lời về nhân thân. Bị cáo Trương Mỹ Lan nói rõ bà học hết lớp 12, làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Trương Mỹ Lan) bước lên bục khai báo. Người phụ nữ khai mình sinh ra tại TP.HCM, cư trú tại quận 1, TP.HCM, làm Tổng giám đốc Công ty quản lý bất động sản Windor.
8h20: Thư ký thông báo nội quy phiên tòa. Sau đó, Chủ tọa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
7h30, Tòa bắt đầu làm việc. Lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra giấy tờ đối với người dự tòa. Nhiều luật sư vào người có nghĩa vụ liên quan xếp hàng vào bên trong tòa án.
Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) nộp 4,5 tỷ đồng; gia đình bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó Chánh thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh TPHCM) nộp 546 triệu đồng); Nguyễn Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) nộp 500 triệu đồng.
Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty CP Natural Land), Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc Phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB) nộp 30 triệu đồng/bị cáo. Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) và Cao Việt Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) cùng nộp 200 triệu đồng/người; Bùi Nhân (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) nộp 70 triệu đồng; Bùi Đức Khoa (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Natural Land), và Trần Hoàng Giang (cựu Phó Giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB), mỗi người nộp 50 triệu đồng.
6h45, lần lượt các bị cáo được di lý tới tòa.
Phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dự kiến diễn ra gần 2 tháng (từ 5/3 - 29/4), do thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
Bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Chu Lập Cơ cùng 84 bị cáo bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án có tới 6 tấn hồ sơ, đựng trong 104 thùng với gần 2.500 tập tài liệu và 1 triệu bút lục. Tất cả được bảo vệ nghiêm ngặt trong phòng riêng.
Có 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa.
Theo cáo buộc, do nắm giữ 91,5 % cổ phần của Ngân hàng SCB, bà Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Cáo buộc cho rằng, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến 17/10/2022, còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.