Bị 'crush' gọi là heo mập, nữ sinh lớp 10 tự biến mình thành 'xác sống'
Bố mẹ Nhi sợ hãi khi thấy con gái da bọc xương, chỉ nặng 35kg với chiều cao 1m64 nhưng vẫn tính calo của từng quả nho, mỗi khi ăn xong lại tìm cách gây nôn.
Suốt thời gian dài, bố mẹ Liên Nhi (16 tuổi, Hà Nội) tìm đến nhiều phòng khám dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe cho con khi họ thấy con gái mình ngày càng gầy. Liên Nhi vốn là bé gái mập mạp, thế nhưng từ năm lớp 9 bỗng sút cân dần rồi trở nên quá mảnh mai.
Bị chê béo, nhiều thiếu nữ thành 'xác sống'
"Tôi mua nhiều đồ bổ dặn con ăn. Bữa tối là bữa duy nhất cả nhà có thể ăn cùng nhau, tôi đều ngồi cạnh chờ con ăn uống tử tế rồi mới dọn dẹp, nhưng Nhi vẫn gầy đi. Tôi đưa cháu đến bác sỹ dinh dưỡng, thiết lập chế độ ăn và mua thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của họ nhưng con vẫn héo hon dần dần. Cho đến hôm bắt gặp Nhi đang móc họng tự gây nôn trong toilet, tôi mới nhận ra sự thật", chị Mai Liên, mẹ Nhi, kể.
Hóa ra lâu nay, cô bé vẫn giả vờ ngoan ngoãn ăn trước mặt bố mẹ nhưng sau đó lén nôn bằng hết. Bữa sáng và trưa, không có bố mẹ ở cạnh, Nhi gần như không ăn gì.
Từ khi bị mẹ bắt quả tang, Liên Nhi không giả vờ ăn nữa mà công khai nhịn để khỏi tăng cân. Dù thân hình chỉ còn da bọc xương, cao 1m64 mà chỉ nặng 35kg, cô bé vẫn tính calo cho mỗi quả nho đưa vào miệng, và tìm cách trốn vào nhà vệ sinh để nôn khi bị ép ăn "quá nhiều" theo tiêu chuẩn của mình. Bất lực, chị Mai Liên đưa con đến phòng khám tâm lý.
"Tôi vẫn không hiểu tại sao con gái nhịn ăn cực đoan đến vậy, vì từ nhỏ cháu đã mập và không quan tâm đến điều đó. Lên cấp hai, mỗi khi bị trêu béo, con bé chỉ nhíu mày khó chịu chút rồi thôi. Chuyên gia tâm lý trò chuyện mới biết, đầu năm lớp 9, Nhi thích một bạn trai là 'soái ca' trong trường. Con bé vô tư bày tỏ tình cảm của mình, không ngờ cậu bé đó khinh bỉ gọi cháu là 'heo mập' và cười nhạo nó trước đám đông.
Cú sốc đó làm Nhi tổn thương cực độ, và cháu trở nên cực kỳ nhạy cảm mới mọi nhận xét hay ám chỉ về ngoại hình", người mẹ tâm sự. Chị luôn thấy có lỗi vì không đưa con đến phòng khám tâm lý sớm hơn, dù hiện nay Liên Nhi đã dần lấy lại sự cân bằng.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), Hà Nội, cho biết những trường hợp tương tự không hiếm gặp. Trung tâm PPRAC từng trị liệu cho một nữ sinh 15 tuổi bị trầm cảm và rối loạn ăn uống nghiêm trọng do bị chê béo. Nhịn ăn quá lâu, cô bé trở nên gầy như xác sống, môi khô bong vảy, tóc xơ xác và đặc biệt là đã mất kinh nguyệt cả năm trời.
"Cao gần 1m70 và chỉ nặng ba mươi mấy cân nhưng cô bé vẫn cảm thấy chưa đủ gầy, vẫn ăn kiêng khắc nghiệt. Để ăn một miếng thịt, cô bé lấy dao cắt nó ra thành nhiều mảnh thật nhỏ, thật mỏng để có cảm giác ăn nhiều lần", ThS Lã Linh Nga kể.
Nguồn gốc tình trạng trên cũng là lời chê cười, mỉa mai vóc dáng đến từ những người xung quanh. Khi tham gia hát tập thể trong chương trình văn nghệ của trường, bạn bè cười nhạo cái áo chật căng của em: "Mày phải về mượn áo mẹ, áo bà ngoại thì mới vừa được". Em còn nghe được lời nói vô tâm của cô giáo với đồng nghiệp: "Sao con bé ấy béo nhanh thế nhỉ?".
Ngoài chuyện bị miệt thị ngoại hình, nữ sinh này còn có khúc mắc khác với gia đình nên càng thu mình và chứng rối loạn ăn uống càng khó điều trị. Chuyên gia phải cùng gia đình đồng thời "gỡ từng nút thắt", mất một thời gian khá lâu cô bé mới trở lại bình thường.
Một trường hợp khác là bé Thảo (13 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội), phải đi cấp cứu vì đau dạ dày, hậu quả của "chế độ ăn chết đói" - kiêng tinh bột, uống nước cầm hơi, sử dụng thuốc giảm cân. "Suy nghĩ lúc đó của cháu chỉ là phải giảm cân bằng được để 'dằn mặt' những người từng chê bai mình. Bạn bè luôn hỏi cháu nặng bao nhiêu cân, quần áo tăng mấy size, nói rằng phải giảm cân mới có người yêu. Sau lưng, họ ví cháu giống một con lợn, rồi nhắc nhở em út nhìn cháu làm gương để đừng ăn nhiều", Thảo bộc bạch.
Dạy con biết yêu cơ thể mình
Bị miệt thị về vẻ ngoài tròn trịa của mình, bé Thảo rất sợ đến chỗ đông người, ghét soi gương vì nghĩ bản thân xấu xí. Cô bé luôn cho rằng gầy là chuẩn mực, là thước đo của sự hoàn hảo.
Đó cũng là ngộ nhận của rất nhiều thiếu nữ khác đang bị rối loạn ăn uống. "Dù thân hình đã da bọc xương, mặt mũi tiều tụy, xơ xác nhưng những cô gái này vẫn muốn gầy hơn, hễ nghe ai chê gầy thì càng thích, coi như được khen ngợi", chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga nói.
Giới trẻ ngày nay rất dễ chạy theo hình mẫu hoàn hảo trên mạng xã hội, tự gây áp lực với bản thân khi xem hình ảnh của người khác đã được chỉnh sửa để có vóc dáng "không tưởng" kiểu búp bê Barbie - vòng 1 và vòng 3 nở nang trong khi eo lưng bé xíu và vùng bụng phẳng lì. Xu hướng "tôn thờ" vẻ đẹp ngoại hình khiến nhiều cô gái trẻ hành hạ bản thân để giữ sự mảnh mai cũng như có lời nói tàn nhẫn với những người bạn thừa cân. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), miệt thị ngoại hình cũng là một dạng bạo lực tinh thần.
Trước khi có thể làm xã hội thay đổi, cha mẹ cần bảo vệ con khỏi điều này bằng cách tăng sức để kháng cho trẻ để ít bị tác động bởi nạn miệt thị ngoại hình.
ThS Lã Linh Nga nói: "Sự tự ti về bản thân có thể bắt đầu ở trẻ nhỏ, thậm chí kéo dài cho đến tuổi già, nhưng không bao giờ là quá muộn để vượt qua sự tự ti. Cách duy nhất để không bị mặc cảm về ngoại hình là chấp nhận con người thật của mình và bỏ qua những gì người khác nhận xét về mình".
Cho dù ngày nay, giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các trào lưu, quan điểm trên mạng xã hội, chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của gia đình sẽ "thắng" nếu phụ huynh tương tác thường xuyên với con để truyền những thông điệp đúng đắn. Cha mẹ cần dạy trẻ cách nhìn nhận lành mạnh về vẻ đẹp ngoại hình, dạy trẻ biết yêu cơ thể mình, chấp nhận và tôn trọng bản thân, nhìn thấy vẻ đẹp trong sự khác biệt.
Ngoài ra, cha mẹ cần biết nhấn vào các điểm mạnh đáng tự hào khác của con. Các bạn trẻ sẽ không quá coi trọng sự chê bai của người khác đối với vẻ ngoài của mình nếu thực sự tin vào giá trị của bản thân với những phẩm chất khác, như trí thông minh, sự hiểu biết, kỹ năng sống, lòng dũng cảm, khả năng chia sẻ và yêu thương...
Sự tự tin, tự hào và quan điểm đúng đắn về giá trị con người là điều mà phụ huynh có thể bồi đắp cho con bằng "nếp nhà" - môi trường sống lành mạnh và tích cực.
Làm gì khi con bị chê ngoại hình?
Không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh nhiều khi cũng tổn thương khi con mình bị chê béo, chê còi, chê xấu. Nhiều phụ huynh có con nhỏ tức giận và lo lắng khi người khác vô tư nhận xét đứa trẻ bằng những câu như "Nó béo quá, bắt giảm cân đi chị ạ"; "Sao bố mẹ như vậy mà con còi cọc thế"... Họ sợ những lời này khiến con mình tổn thương và trở nên tự ti.
Theo chuyên gia Linh Nga, so với trẻ lớn và vị thành niên, trẻ nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi những nhận xét như vậy nếu cha mẹ có cách ứng xử thích hợp. Khi con bị người lớn vô ý bàn luận kém tích cực về ngoại hình, cha mẹ nên "phiên dịch" những lời chê bai đó theo hướng nhẹ nhàng hơn, dập tắt sự tự ti đang manh nha trong đứa trẻ bằng cách nói với con rằng đó chỉ là câu đùa. Tuy nhiên, lời này chỉ có sức thuyết phục nếu bản thân cha mẹ không tức giận và tỏ thái độ khác lạ.
Khi bạn phản ứng gay gắt với người chê bai con, trẻ sẽ hiểu rằng bạn đang đấu tranh cho một "sự thật”. Còn khi bạn bình tĩnh và khẳng định lại những điều đúng cho trẻ nghe, trẻ sẽ ghi nhớ thông điệp và sự thật từ bạn.
(*) Tên các nhân vật trẻ em trong bài đã được thay đổi.