Bi kịch của những đứa trẻ tham gia 'thí nghiệm bị cấm' - Kỳ cuối
Mỗi khi xuất hiện một đứa trẻ giống Victor, các nhà nghiên cứu lập tức đổ dồn chú ý. Ngay cả trong thời hiện đại, tại các quốc gia phát triển, cũng từng xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em hoàn toàn không có kỹ năng ngôn ngữ. Đáng buồn thay, phần lớn các trường hợp này đều kết thúc tương tự nhau.
Kỳ cuối: Những đứa trẻ bị tước đoạt ngôn ngữ

Ảnh minh họa: historydefined.net
Theo trang historydefined.net, vào năm 1970, nhà chức trách Los Angeles phát hiện một bé gái tên là Genie. Cô bé bị nhốt biệt lập trong một căn phòng tại nhà cha mẹ.
Dù các nỗ lực phục hồi chức năng diễn ra khi cô bé 13 tuổi, nhưng Genie không bao giờ có thể làm chủ được ngôn ngữ. Cuối cùng, cô bé được đưa vào hệ thống nuôi dưỡng của bang.
Những đứa trẻ như Victor và Genie cho thấy xã hội hóa và giáo dục là điều sống còn đối với trẻ em. Tước đoạt những trải nghiệm đó chẳng khác gì lạm dụng.
Không điều gì có thể biện minh cho việc cố tình tạo ra điều kiện giống như “thí nghiệm bị cấm”, kể cả vì sự phát triển của tri thức. Cái giá phải trả vì vượt ranh giới đạo đức và luân lý là quá lớn.
Hiện nay, chúng ta đã hiểu rõ hơn nhiều về tâm lý học so với thời điểm Victor bị bắt. Giờ đây, người ta đã bác bỏ cuộc tranh luận “bản năng hay môi trường” trong tâm lý học trẻ em. Thay vào đó, chính sự kết hợp giữa hai yếu tố này mới giúp trẻ phát triển toàn diện.
Giáo sư thần kinh học Rebecca Saxe tại trường Viện Công nghệ Massachusetts viết rằng: “Một môi trường xã hội có sự hiện diện của con người chắc chắn sẽ tự nhiên hơn với một đứa trẻ sơ sinh so với bất kỳ môi trường nhân tạo nào. Ngay cả việc phát triển những đặc điểm bẩm sinh ở con người cũng cần có môi trường xã hội”.
Ngày nay, giới nghiên cứu đã nhận thức được các hệ lụy đạo đức của thí nghiệm bị cấm. Nhưng trước đây, không có rào cản nào ngăn các học giả đi quá xa khi họ tìm kiếm tri thức mà họ tin là có giá trị.
Các thí nghiệm tước đoạt ngôn ngữ đã từng diễn ra nhiều lần trong lịch sử, không chỉ với những trường hợp tự nhiên như Victor hay Genie. Có ít nhất bốn trường hợp “thí nghiệm bị cấm” được thực hiện theo sắc lệnh của vua chúa.
Psamtik I
Vào khoảng năm 600 trước Công nguyên, người ta đã quan tâm đến kết quả của thí nghiệm tước đoạt ngôn ngữ. Nhà chép sử Herodotus của Hy Lạp ghi lại rằng Pharaoh Psamtik I của Ai Cập từng tìm cách xác định xem ngôn ngữ nào có trước: tiếng Ai Cập hay tiếng Phrygia (một ngôn ngữ ở Anatolia).
Ông ra lệnh giao hai đứa trẻ sơ sinh cho một người chăn cừu nuôi, cấm người nuôi nói chuyện với chúng. Pharaoh tin rằng hai đứa trẻ sẽ tự phát triển ngôn ngữ và ngôn ngữ mà chúng nói sẽ là ngôn ngữ lâu đời nhất.
Nhà chép sử Herodotus không nói rõ người chăn cừu đã chăm sóc hai đứa trẻ trong bao lâu, hay cuộc sống của chúng sau đó ra sao. Dù Psamtik I cho rằng mình đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đặt ra, nhưng tính xác thực của kết luận đó vẫn còn nhiều nghi vấn.
Psamtik I kết luận rằng tiếng Phrygia có trước tiếng Ai Cập. Cơ sở của ông là một trong hai đứa trẻ đã phát ra từ “becos”, nghĩa là “bánh mì” trong tiếng Phrygia.
Tuy nhiên, đây là một cách lý giải thiếu cơ sở khoa học, vì nhiều khả năng Psamtik I chỉ đơn giản đã hiểu nhầm tiếng bập bẹ vô nghĩa của trẻ nhỏ.
Frederik II
Hoàng đế La Mã Thần thánh Frederik II, trị vì vào thế kỷ 13, tin rằng con người có một ngôn ngữ tự nhiên, ngôn ngữ mà Thượng đế ban cho, thứ tiếng mà Adam và Eva từng nói trong Vườn Địa Đàng.
Thời đó, tôn giáo và khoa học gắn bó chặt chẽ. Frederik II tin rằng trẻ em lớn lên không có ai nói chuyện sẽ tự nhiên bắt đầu nói thứ ngôn ngữ thiêng liêng này.
Nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ tự nhiên của Frederik II được tu sĩ người Italy tên là Salembene di Adam ghi lại trong tác phẩm "Cronica", nghĩa là “Biên niên sử”.
Ông viết rằng Frederik II tin trẻ em có khả năng tự nhiên nói tiếng Hebrew, Hy Lạp hoặc Latinh, ngay cả khi không có người lớn dạy.
Tất nhiên, những đứa trẻ tham gia thí nghiệm tước đoạt ngôn ngữ của Frederik II không hề có kỹ năng ngôn ngữ bẩm sinh nào như vậy. Tác phẩm "Cronica" ghi lại rằng những đứa trẻ ấy đã chết do thiếu chăm sóc. Kết cục này một lần nữa cho thấy vì sao không bao giờ nên thực hiện “thí nghiệm bị cấm”.
James IV của Scotland
Thời kỳ Phục Hưng là giai đoạn châu Âu chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của nghệ thuật và khoa học. Trong giai đoạn này, Vua James IV của Scotland, một người thông thạo tám thứ tiếng, đã ra lệnh tiến hành “thí nghiệm bị cấm”. Ông muốn khám phá nguồn gốc của ngôn ngữ trong loài người.
Ông giao hai đứa trẻ sơ sinh cho một phụ nữ câm điếc và đưa họ đến sống trên đảo hoang Inchkeith.
Theo tác phẩm "Historie and Chronicles of Scotland" của sử gia Robert Lindsay of Pitscottie được viết một thế kỷ sau đó, hai đứa trẻ nói trên đã học nói tiếng Hebrew. Tuy nhiên, vì không có ghi chép cùng thời, nên thông tin này khó được xác thực.
Akbar Đại đế
Hoàng đế Mughal Akbar Đại đế, trị vì tiểu lục địa Ấn Độ thế kỷ 16, nổi tiếng vì sự tò mò. Ông muốn tìm hiểu cách thế giới vận hành và điều đó đã khiến ông tiến hành phiên bản riêng của “thí nghiệm bị cấm”.
Ông tin rằng ngôn ngữ là một hành vi học được chứ không phải bẩm sinh. Thí nghiệm tước đoạt ngôn ngữ của ông nhằm chứng minh giả thuyết đó.
Trong các tác phẩm Akbarnama, Dabestan-e-Mazaheb và Montaḵab al-Tawārīḵ, người ta ghi lại rằng Akbar giao 12 trẻ sơ sinh cho các vú nuôi câm để nuôi tại một nơi gọi là “Cung điện của người câm”. Sau nhiều năm, Akbar đến kiểm tra và nhận thấy kết quả đúng như dự đoán: không ai dạy ngôn ngữ, nên bọn trẻ cũng câm lặng như các vú nuôi.
Mỗi trường hợp “thí nghiệm bị cấm” được ghi lại đều để lại hậu quả tiêu cực cho sự phát triển của đứa trẻ. Điều đó chứng minh rằng thí nghiệm này bị cấm là hoàn toàn chính đáng. Nó cũng khẳng định: xã hội hóa là điều cần thiết cho con người không kém gì thức ăn hay chỗ ở.