Bí kíp 'giải độc' khi ăn nhiều bánh kẹo vào dịp Tết
Ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung có thể dẫn tới tăng cân, các vấn đề về lượng đường trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, bánh kẹo là món ăn vặt không thể thiếu của mọi gia đình. Trong dịp lễ này, mọi người thường có xu hướng "thỏa mãn" bản thân nên ăn rất nhiều bánh kẹo hoặc đồ ăn có lượng đường cao. Tuy nhiên, bánh kẹo có chứa nhiều đường bổ sung, việc ăn quá nhiều và thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Điều gì xảy ra khi bạn ăn quá nhiều đường?
Ăn quá nhiều đường bổ sung, tức là đường trong các sản phẩm như bánh kẹo, si-rô, gia vị chế biến sẵn,... có thể ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách. Theo Webmd, đường ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động của cơ thể:
- Đối với não bộ: Ăn đường giúp não bạn sản sinh ra một loại hóa chất tạo cảm giác dễ chịu gọi là dopamine, nhưng điều này có thể dẫn tới tình trạng nghiện đường. Nếu không ăn những thực phẩm chứa đường bạn có thể cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
- Đối với tâm trạng: Thỉnh thoảng ăn kẹo hoặc bánh quy có thể giúp bạn tăng năng lượng nhanh chóng bằng cách tăng nhanh lượng đường trong máu. Khi lượng đường giảm xuống do các tế bào hấp thụ đường, bạn có thể cảm thấy bồn chồn và lo lắng.
- Đối với răng miệng: Ăn quá nhiều đường có thể gây sâu răng do sự tích tụ của vi khuẩn.
- Đối với khớp: Ăn nhiều đồ ngọt đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp do tình trạng viêm mà chúng gây ra trong cơ thể. Thêm vào đó, các nghiên cứu cho thấy những người ăn hoặc uống nhiều đường có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn.
- Đối với gan: Đường fructose được sử dụng để chế biến trong các thực phẩm như bánh kẹo có thể gây hại cho gan. Khi fructose bị phân hủy trong gan, nó được chuyển hóa thành chất béo và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
- Đối với tim mạch: Khi bạn ăn hoặc uống quá nhiều đường, lượng insulin dư thừa trong máu có thể ảnh hưởng đến các động mạch trên khắp cơ thể. Nó khiến thành động mạch bị viêm, dày hơn bình thường và cứng hơn, điều này gây căng thẳng cho tim và làm hỏng tim theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim, như suy tim, đau tim và đột quỵ.
- Đối với tuyến tụy: Bình thường khi bạn ăn, tuyến tụy của bạn sẽ bơm insulin. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều đường và cơ thể bạn ngừng phản ứng đúng với insulin, tuyến tụy của bạn sẽ bắt đầu bơm nhiều insulin hơn nữa. Cuối cùng, tuyến tụy làm việc quá sức và sẽ bị phá vỡ và lượng đường trong máu của bạn sẽ tăng lên, khiến bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
- Đối với thận: Qúa nhiều đường có thể dẫn đến tổn thương thận. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu. Khi lượng đường trong máu đạt đến một lượng nhất định, thận sẽ bắt đầu thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thận, khiến thận không thể thực hiện chức năng lọc chất thải trong máu. Điều này có thể dẫn đến suy thận.
Ăn bao nhiêu đường là quá nhiều?
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo phụ nữ nên hạn chế lượng đường nạp vào không quá 25 gam hoặc 6 thìa cà phê đường bổ sung mỗi ngày và nam giới không quá 36 gam hoặc 9 thìa cà phê mỗi ngày.
Triệu chứng cho thấy bạn ăn quá nhiều đường
- Mức năng lượng thấp
- Tâm trạng chán nản
- Đầy hơi
2. Cách "giải độc" đường cho cơ thể
Nếu như bạn đã ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường, bạn nên áp dụng một số biện pháp sau để giảm sự ảnh hưởng của đường đến cơ thể.
- Ăn nhiều chất xơ và nước
Chất xơ và nước là sự kết hợp kỳ diệu giúp giảm đầy hơi do lượng đường dư thừa. Hơn nữa, cả chất xơ và nước đều giúp thanh lọc cơ thể.
Các thực phẩm giàu chất xơ như bông cải xanh, cà rốt, củ cải; các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan; trái cây như táo, chuối, dâu; ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch và lúa mì nguyên cám; hạt chia, hạt lanh, và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ.
Mỗi ngày bạn nên uống khoảng 1,5 - 2 lít nước, tùy vào tình trạng sức khỏe và hoạt động thể chất của bạn.
- Đi bộ
Đi bộ hoặc tốt hơn nữa là tập thể dục sau khi ăn quá nhiều đường sẽ giúp cân bằng lại lượng đường trong máu và làm giảm tình trạng tăng đột biến insulin. Thêm vào đó, hoạt động thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tổng thể và giảm rất nhiều nguy cơ bệnh tật.
Bạn có thể tập thể dục vào sáng hoặc tối, trong ngày bạn nên tăng cường vận động bằng cách làm việc nhà, đi bộ khi đi chợ, leo cầu thang,...
- Ăn nhiều thực phẩm chống viêm
Ăn quá nhiều đường có thể khiến bạn mệt mỏi vì nó làm tăng lượng đường trong máu và có xu hướng gây viêm trong cơ thể.
Để giúp cải thiện tình trạng viêm do đường, bạn nên ăn nhiều thực phẩm có tính chống viêm như rau họ cải: cải xoăn, cải Brussels và súp lơ; thêm nhiều nghệ và gừng vào bữa ăn hoặc đồ uống của bạn; bổ sung thêm hạt lanh, óc chó,...
- Bổ sung thực phẩm giàu protein
Cân bằng lượng đường nạp vào cơ thể với protein có thể giúp ổn định lượng đường trong máu và giúp bạn no lâu hơn. Bao gồm các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, trứng, sữa chua hoặc các loại đậu trong các bữa ăn sau khi tiêu thụ đường. Protein giúp điều chỉnh sản xuất insulin, giảm khả năng bị sụt năng lượng và thèm đường.
- Bổ sung những thực phẩm giàu probiotics
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột của bạn, dẫn đến mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Probiotics có trong thực phẩm lên men như sữa chua, kefir và dưa cải bắp, có thể giúp khôi phục sự cân bằng lành mạnh trong hệ vi sinh đường ruột của bạn.
- Uống trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc, chẳng hạn như trà bạc hà, trà hoa cúc hoặc trà gừng, có thể hỗ trợ tiêu hóa và mang lại tác dụng làm dịu. Những loại trà này không chứa caffeine và có thể là một sự bổ sung nhẹ nhàng cho thói quen sau khi ăn đường của bạn. Thưởng thức một tách trà thảo mộc có thể giúp giảm đầy hơi do ăn quá nhiều đường đồng thời thúc đẩy sự thư giãn.
Nhìn chung, ăn quá nhiều đường bổ sung sẽ gây hại cho sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến cân nặng. Vào dịp Tết, mọi người nên ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước, bổ sung những thực phẩm lành mạnh và hạn chế ăn bánh kẹo hoặc những thực phẩm có lượng đường bổ sung cao.