Bị mang 'rắn độc' ra so

Nguyên văn của câu tục ngữ 'Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái, gái đến nhà chẳng chơi thì dại'. Nghe lạ thật đấy. Nhưng ngữ nghĩa của nó (theo cách hiểu dân gian) còn lạ hơn nhiều.

Tác giả Thành Chương (trong Từ điển Thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam, quyển hạ, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) chỉ dẫn một biến thể “Rắn đến nhà không đánh thành quái” và giải thích “Rắn có nhiều loại, nhưng phần nhiều là rắn độc. Nhưng dù độc hay lành, người mình hễ thấy rắn ở đâu là đuổi đánh cho bằng được.

Nếu không đánh rắn, rắn có thể gây tai họa. Cuộc sống thấy điều xấu phải tránh, thấy kẻ ác, kẻ gian phải có biện pháp chống đối, tiêu trừ”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như vậy, Thành Chương chỉ thống kê một vế so với câu tục ngữ vừa dẫn ở đầu (Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái, gái đến nhà chẳng chơi thì dại). Biến thể đầy đủ này được Nguyễn Đức Dương thống kê (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010). Chính sự thêm vào (vế thứ hai: gái đến nhà chẳng chơi thì dại) mới sinh ra vấn đề cần để nói.

Nguyên văn cách giải thích của Nguyễn Đức Dương là “Rắn dám mò vào tận nhà thì phải đánh cho chết để về sau khỏi tác oai tác quái; con gái mà dám tới chơi tận nhà thì hãy lôi ngay lên giường kẻo dễ bị mang tiếng là khờ dại”.

“Con gái” ở đây có lẽ ám chỉ những cô gái (chắc là trẻ) đang độ kén chồng. Theo quan niệm dân gian, ngày xưa, chuyện dựng vợ gả chồng rất hệ trọng. Thường chàng trai (dù được mai mối hay không) mới chủ động đến nhà cô gái để tìm hiểu.

“Tìm hiểu” là một quá trình hai bên gặp gỡ, trao đổi để có cơ hội hiểu nhau hơn, từ đó mà quyết định thành duyên hay không. Chứ cô gái kia tuyệt nhiên không được bén mảng đến nhà chàng trai (dù bất cứ lý do gì). Ngay cả khi chàng trai kia đến nhà, cô gái cũng bị giám sát chặt chẽ qua các “camera” ghi hình ghi âm các kiểu của ông bố bà mẹ. Cô chỉ được phép quẩn quanh trong nhà mà nói chuyện (cùng lắm thì anh chị được xuống bếp ngồi, vừa đun nước hay nấu cám lợn rồi lợi dụng “nồi cám đang sôi” mà tỉ tê chuyện lớn chuyện nhỏ).

Chuyện cô gái theo chàng trai ra bờ tre gốc dứa, ra cánh đồng để ngả đầu tâm sự là rất khó. Nhất là lại cả gan “theo giai” đến tận nhà anh ta thì tối kỵ. Đến nhà giai tức là chấp nhận “bước qua lời nguyền”: “nam nữ thụ thụ bất thân”, “nam nữ bất tạp tọa” (con trai và con gái không được tùy tiện, đứng ngồi lẫn lộn bên nhau). Thế mà nàng (trong giai đoạn tìm hiểu) lại ung dung đến nhà chàng thì có khác nào “bật đèn xanh” cho chàng “bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Thật là “gửi trứng cho ác”. “Miếng ngon kề đến tận nơi” như thế mà không tận dụng thì quả là uổng, là ngốc. Ở trên (trong biến thể “Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái, gái đến nhà chẳng chơi thì dại”) Nguyễn Đức Dương cho rằng “hãy lôi ngay lên giường kẻo dễ bị mang tiếng là khờ dại”. Ở biến thể ngay sau đó (Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái, gái đến nhà chẳng chơi thì thiệt), ông nói khác đi một chút “hãy lôi ngay lên giường để khỏi bỏ lỡ một cơ may khó gặp”. Không biết là cách giải thích này của ông có đúng với cách hiểu, cách dùng của dân gian ta trước đây không?

Dù lập luận “đó là quan niệm ngày xưa” thì chắc sẽ có không ít người phản đối. Bởi suy nghĩ như thế thì coi rẻ phụ nữ quá. Chuyện cô gái đến nhà chàng trai (khi chưa có chuyện cưới cheo) rõ ràng là nên tránh, nhưng không phải là không có. Nếu có cũng không thể để chàng trai coi đó là cơ hội tuyệt vời để chàng có thể thoải mái “lôi cô lên giường” cho thỏa lòng mong muốn bấy lâu.

Với nhiều cô gái (nhất là những cô đoan chính) không coi rẻ mình như vậy (Tôi yêu anh, tin anh, nghĩ chuyện tình duyên của chúng ta đã xong nên coi hai nhà như một. Tôi sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện để đến nhà anh vì việc cần đến phải đến chứ không phải là một hành vi buông thả. Anh cho rằng như thế là có thể “lôi tôi lên giường” là suy luận chủ quan, coi thường tôi quá).

Tất nhiên bây giờ, cuộc sống đã khác. Chuyện trai gái tìm hiểu, yêu nhau hẹn hò, đi chơi đủ nơi đủ kiểu là bình thường, trong đó có chuyện cô gái đến nhà chàng trai gặp gỡ, tham gia mọi sự kiện nhà chàng, có khi xắn tay áo vào bếp làm đủ việc… Và nếu có cô nào đó muốn “bật đèn xanh” cho chàng “vượt qua lằn ranh đỏ” thì cô chẳng dại gì phải đến nhà chàng. Ghế đá công viên, bờ đê bãi cỏ, thậm chí nhà nghỉ, khách sạn hoàn toàn có thể thành “bãi đáp” ngon lành cho hai người. Nhiều gia đình bây giờ còn mong con trai “dẫn trâu dẫn cả nghé” về kia mà!

Với hai vế tục ngữ, dân gian đã đồng nhất hai sự tình “rắn đến nhà” với “gái đến nhà” (ai cũng biết “rắn đến nhà” gây họa thế nào), vô hình trung người đời đã biến chuyện “cô gái đến nhà chàng trai” thành một hành động thật xấu xa:

Bị mang “rắn độc” ra so

Người đời sẽ nghĩ em như thế nào?

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bi-mang-ran-doc-ra-so-35592.html