Bí mật ẩn chứa đằng sau lời nói dối
Những đứa trẻ thường xuyên nói dối, có thể đang phải chịu đựng nhiều áp lực tâm lý. Đa phần chúng là các đứa trẻ tự ti về bản thân, lớn lên trong gia đình thiếu vắng tình thương.

Ở tuổi vị thành niên, nhiều bạn trẻ thường nói dối về gia thế khi thấy thiếu tự tin về xuất thân của mình. Ảnh minh họa: KBS2.
Đến giai đoạn tuổi teen, năng lực tư duy trừu tượng tăng lên và khả năng tưởng tượng cũng phong phú hơn giúp phạm vi suy nghĩ được mở rộng, vì vậy khoảng thời gian rơi vào mộng tưởng một mình cũng tăng lên.
Cùng với sự phát triển và hoàn thiện về thể chất thì trí tưởng tượng về giới tính liên quan đến bạn khác giới cũng sẽ tăng lên, và các em sẽ cảm thấy tội lỗi vì điều này. Cảm giác tội lỗi thái quá cũng sẽ gây ra các triệu chứng tinh thần.
Bác sĩ khoa tâm thần và nhà tâm lý học không xem tưởng tượng là bệnh, cũng như không cấm đoán tưởng tượng, trừ những trường hợp quá mức dẫn đến không thể sinh hoạt bình thường hoặc không thể phân biệt hiện thực với tưởng tượng. Thậm chí có bác sĩ còn ủng hộ tích cực rằng: “Sự tưởng tượng một mình có chức năng trị liệu và có thể bồi thường cho cảm giác tội lỗi hay cô lập.”
Thế nhưng, tưởng tượng thái quá đến mức thêu dệt những điều không thật một cách tinh vi rồi nói dối người khác, và chỉ nhốt mình trong phòng riêng để tưởng tượng mà không còn thời gian cho học hành hay gặp gỡ bạn bè thì chẳng thể xem đây là hành động lành mạnh. Việc khoác lác, thổi phồng về mình để xoa dịu nỗi tự ti của bản thân cũng được xếp vào loại triệu chứng “Cường điệu bản thân” (Self Inflation).
Càng là người tự ti thì càng nói dối nhiều. Bởi các em nghĩ rằng mình là người rất tầm thường và là đứa trẻ xấu, thậm chí không cần sự quan tâm của người khác nên các em sẽ lo sợ rằng nếu thể hiện một cách chân thật con người mình thì sẽ bị bạn bỏ rơi, ruồng rẫy.
Đến sau này, khi đã trở thành người lớn, các em cũng không thể thay đổi suy nghĩ đó. Người lớn không tự tin sẽ muốn có ô tô riêng hay món trang sức đắt tiền hơn mức cần thiết để cường điệu hóa bản thân. Làm việc chăm chỉ, quản lý và sử dụng tài sản của mình một cách hợp lý không phải là điều xấu. Nhưng những trường hợp tự ti thái quá có thể sẽ trở thành lừa đảo hoặc tội phạm để phô trương bản thân, đó mới là vấn đề.
Hoang tưởng thái quá biến thành lời nói dối, những lời nói dối thiện ý vô tình gây hại cho người khác lúc nào không hay cũng có khả năng biến mình thành tội phạm. Thế nên phải rút ngắn thời gian tưởng tượng một mình và dừng thói quen phô trương trước bạn bè. Những em tuổi teen gặp vấn đề này phần lớn là những em không được cha mẹ công nhận khi còn nhỏ và lớn lên mà thiếu tình yêu thương.
Thứ mà bạn bè của các em thích không phải là tài sản, danh tiếng hay điều kiện gia đình các em có, mà chính là tính cách nơi con người các em. Nếu cứ nói dối và giả bộ tài giỏi một cách đáng lo ngại như vậy thì sẽ khiến mình bị khinh bỉ và miệt thị hơn thay vì được công nhận hay tôn trọng. Muốn có được tình yêu của người khác, tôi khuyên các em hãy chân thật và nói chuyện thật lòng chứ không nên khoác lác về bản thân.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-mat-an-chua-dang-sau-loi-noi-doi-post1566794.html