Người đàn ông ngưng tim do điện giật
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận ông N.P.T (66 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, nghi do điện giật.

Bệnh nhân rơi vào tình trạng toan chuyển hóa nặng, kali máu cao và phải duy trì 2 vận mạch do sốc sau ngừng tuần hoàn. Ảnh: BVCC.
Theo người nhà, khoảng 15 phút trước khi được phát hiện, bệnh nhân đang sửa bồn nước trên tầng thượng thì đột ngột mất ý thức, được người nhà đưa vào bệnh viện. Qua các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngưng tim theo dõi do điện giật.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenaline, đặt ống nội khí quản và sốc điện hai lần. Sau 30 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có mạch trở lại.
Tuy nhiên, kết quả khí máu cho thấy bệnh nhân rơi vào tình trạng toan chuyển hóa nặng, kali máu cao và phải duy trì 2 vận mạch do sốc sau ngừng tuần hoàn.
Sau khi đồng tử bệnh nhân có dấu hiệu co lại, các bác sĩ quyết định thực hiện hồi sức nâng cao với các biện pháp: thở máy, lọc máu liên tục và đưa bệnh nhân vào hệ thống hạ thân nhiệt chỉ huy nhằm bảo vệ chức năng não bộ.
Bác sĩ Lê Sơn Việt - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, để phòng tránh tai nạn điện giật trong sinh hoạt, người dân cần đặc biệt cẩn trọng khi sửa chữa các thiết bị hoặc hệ thống điện trong gia đình.
Trước khi thao tác, phải ngắt hoàn toàn nguồn điện bằng cách tắt cầu dao hoặc aptomat. Việc sửa chữa chỉ nên thực hiện khi tay khô, đứng trên nền khô ráo và sử dụng đầy đủ dụng cụ chuyên dụng có khả năng cách điện như găng tay, tua vít, kìm cách điện.
Tuyệt đối không trèo lên mái nhà, bồn nước hoặc những vị trí cao liên quan đến hệ thống điện khi chưa đảm bảo an toàn. Thiết bị điện cũ, có dấu hiệu hư hỏng hoặc rò rỉ cần được kiểm tra, thay thế kịp thời.
Ngoài ra, việc kiểm tra, bảo trì hệ thống điện định kỳ cũng là giải pháp quan trọng để phòng tránh các tai nạn điện giật trong gia đình.
Trong trường hợp xảy ra điện giật, cần hết sức bình tĩnh để xử trí đúng cách. Trước hết, phải nhanh chóng ngắt nguồn điện hoặc dùng vật cách điện như gậy gỗ, cán chổi… để tách nạn nhân khỏi dòng điện, tuyệt đối không chạm tay trực tiếp vào người bị giật. Gọi cấp cứu 115 ngay và kiểm tra phản ứng của nạn nhân.
Trường hợp nạn nhân ngừng thở, không còn mạch, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo, nếu người hỗ trợ đã được đào tạo kỹ thuật.
Với những nạn nhân còn tỉnh, nên đặt nằm yên, giữ ấm và theo dõi liên tục cho đến khi nhân viên y tế đến. Tuyệt đối không đổ nước lên người bị nạn và hạn chế di chuyển trong trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-ong-ngung-tim-do-dien-giat-post738766.html