Bí mật sức mạnh của Iran

Khả năng duy trì sức chống chịu của Iran trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, các cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài và các mối đe dọa tiềm tàng bắt nguồn từ sự kết hợp độc đáo giữa lợi thế địa lý, di sản lịch sử và khả năng thích ứng chiến lược.

Trong nhiều thế kỷ, Iran từng phải đương đầu với các cuộc tấn công ở mức độ khác nhau từ các đế chế, cường quốc trên thế giới cũng như các đối thủ trong khu vực, song quốc gia này vẫn là một thế lực quan trọng ở Trung Đông. Modern Diplomacy lý giải vì sao Iran vẫn luôn giữ vững chủ quyền và duy trì tầm ảnh hưởng chiến lược.

Vị trí địa lý - pháo đài tự nhiên

Địa lý là một trong những yếu tố quan trọng đối với sức mạnh của một quốc gia. Điều này đặc biệt đúng với Iran. Lãnh thổ Iran trải dài nhiều khu vực, từ Trung Á, Kavkaz, Trung Đông sang Nam Á, biến nơi đây thành ngã tư của các nền văn minh và là vùng đệm giữa các cường quốc. Đất nước được bao quanh bởi biển Caspi ở phía Bắc, vịnh Ba Tư và vịnh Oman ở phía Nam, các sa mạc và vùng núi ở phía Đông và phía Tây. Những đặc điểm tự nhiên này tạo nên tuyến phòng thủ cho Iran trong nhiều thế kỷ. Dãy núi Zagros chạy song song với biên giới phía Tây và dãy Elburz ở phía Bắc, tạo ra những trở ngại đáng gờm cho bất kỳ lực lượng ngoại bang nào muốn tiến công vào Iran. Trong lịch sử, những ngọn núi này là rào cản tự nhiên chống lại các đội quân xâm lược, khiến các chiến dịch quân sự tấn công vào Iran trở nên vô cùng tốn kém và thường vô ích.

 Vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không và UAV được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở Tehran (Iran), ngày 25-9. Ảnh: Getty Images

Vũ khí hạng nặng, bao gồm tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không và UAV được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở Tehran (Iran), ngày 25-9. Ảnh: Getty Images

Tương tự, bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm lược Iran từ phía Đông đều phải băng qua những sa mạc rộng lớn, khắc nghiệt như Dasht-e Lut và Dasht-e Kavir, vốn là cơn ác mộng về mặt hậu cần cho các chiến dịch quân sự quy mô lớn.

Ngoài địa hình đồi núi và sa mạc, việc Iran tiếp giáp nhiều vùng biển càng củng cố thêm vị trí chiến lược của nước này. Vịnh Ba Tư, với điểm nghẽn hẹp tại eo biển Hormuz, giúp Iran kiểm soát một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Gần 20% nguồn cung dầu toàn cầu đi qua eo biển này, khiến nơi đây trở thành “lá bài” then chốt của Iran trong bất kỳ cuộc xung đột địa chính trị nào. Một khi xung đột xảy ra, Iran có thể cắt đứt nguồn cung nhiên liệu quan trọng, là biện pháp răn đe mạnh mẽ đáp trả hành động quân sự của các đối thủ.

Tinh thần bất khuất - di sản của lịch sử

Iran ngày nay xưa từng là Đế chế Ba Tư, một trong những đế chế hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử cổ đại. Di sản của đế chế này, trải dài từ Địa Trung Hải đến sông Indus vào thời kỳ đỉnh cao, là nguồn tự hào dân tộc thúc đẩy bản sắc hiện đại của Iran.

Bất chấp những mưu đồ thôn tính từ các đế chế hùng mạnh, văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc Ba Tư vẫn tồn tại, Iran vẫn luôn là một quốc gia thống nhất và có chủ quyền. Khả năng tồn tại và phát triển trước nghịch cảnh là điều cốt lõi xây dựng nên tính cách kiên cường, bất khuất của người Iran.

Trong thế kỷ 20, cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập. Chính phủ mới từ chối ảnh hưởng của phương Tây, từ chối can thiệp của nước ngoài. Ở một góc độ khác, cuộc cách mạng năm 1979 góp phần khẳng định bản sắc và nền độc lập của Iran.

UAV Mohajer-10 của Iran tại một triển lãm ở Tehran. Ảnh: AFP

UAV Mohajer-10 của Iran tại một triển lãm ở Tehran. Ảnh: AFP

Khả năng thích ứng và năng lực quân sự

Kể từ năm 1979, Iran hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và các đồng minh, nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ, các tổ chức tài chính và các ngành công nghiệp của nước này, với mục đích làm tê liệt các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Iran buộc phải xoay xở để thích nghi và tồn tại. Tehran tập trung phát triển các ngành công nghiệp trong nước, thúc đẩy quan hệ thương mại với các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Nước này cũng dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là trữ lượng dầu khí, để tạo ra doanh thu và duy trì nền kinh tế. Các lệnh trừng phạt gây ra khó khăn về kinh tế, song cũng buộc Iran phải đẩy mạnh tự cung tự cấp và nhờ đó, giảm bớt phụ thuộc vào bên ngoài.

Để tăng cường sức mạnh quân sự, Iran đầu tư phát triển các loại tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV) và chiến tranh mạng; xây dựng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rất tinh nhuệ. Tehran đã phát triển thành công một số loại tên lửa có khả năng vươn tới mục tiêu cách xa 2.000km, khiến Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và một số khu vực của châu Âu rơi vào tầm ngắm. UAV do Iran chế tạo cũng rất phổ biến và trở thành loại vũ khí quan trọng thể hiện sức mạnh và thách thức các đối thủ.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/bi-mat-suc-manh-cua-iran-799431