Bí mật Tử Cấm Thành: Vì sao Vũ Hoa Các đóng cửa với hậu thế?

Vũ Hoa Các - một công trình Phật giáo tráng lệ, luôn phủ màn bí ẩn, ngay cả các nhà sử học cũng không được phép đặt chân đến.

Tọa lạc uy nghi giữa lòng Bắc Kinh, Tử Cấm Thành (Cố Cung) sừng sững suốt 600 năm lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm của các triều đại Minh, Thanh. Tuy nhiên, giữa quần thể kiến trúc đồ sộ ấy, vẫn còn những khu vực "bất khả xâm phạm", khơi gợi sự tò mò và đồn đoán của hậu thế. Trong số đó, Vũ Hoa Các - một công trình Phật giáo tráng lệ, luôn phủ màn bí ẩn, ngay cả các nhà sử học cũng không được phép đặt chân đến. Mãi đến khi Hoàng đế cuối cùng, Phổ Nghi trở lại Cố Cung sau lệnh ân xá, bí mật thâm cung mới dần được hé lộ.

Theo trang Sohu, Vũ Hoa Các ẩn mình trong khu vực nội đình phía tây của Cố Cung, là Phật đường lớn nhất trong số hàng chục điện thờ Phật giáo nơi đây. Sự bí ẩn của nó càng tăng thêm khi khu vực này luôn nằm ngoài danh sách mở cửa cho công chúng, khiến du khách không khỏi thắc mắc, thậm chí thêu dệt nên nhiều giả thuyết ly kỳ.

Vũ Hoa Các luôn đóng cửa với khách tham quan. (Ảnh: Shutterstock)

Vũ Hoa Các luôn đóng cửa với khách tham quan. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 1959, sau khi được đặc xá, Phổ Nghi làm việc tại Vườn Bách thảo Bắc Kinh. Một ngày nọ, ông cùng đồng nghiệp đến thăm Cố Cung, lúc bấy giờ đã mở cửa đón khách tham quan. Tình cờ gặp một đoàn du lịch, một nhà sử học nhiệt tình giới thiệu về lịch sử Vũ Hoa Các, giải thích rằng công trình này được xây dựng vào thời Càn Long, bên trong cất giữ nhiều tượng Phật và kinh Phật quý hiếm. Để tránh hư hại, khu vực này không được mở cửa cho công chúng.

Đứng lẫn trong đám đông, Phổ Nghi nghe xong liền lắc đầu, cho rằng lời giải thích này chưa đúng sự thật. Vị chuyên gia sử học không nhận ra Hoàng đế cuối cùng, liền hỏi lại ông "sự thật là như thế nào?". Lúc này, Phổ Nghi mới tiết lộ trước mọi người, Vũ Hoa Các quả thực cất giữ nhiều bảo vật, nhưng lý do chính khu vực này không mở cửa là vì tầng bốn của công trình thờ ba pho tượng Phật Song thân (Song thân Phật). "Ban đầu, chỉ có Hoàng đế trước khi thành hôn mới được phép đến chiêm ngưỡng, mục đích là để học hỏi về chuyện nam nữ", Phổ Nghi nói, khiến mọi người xung quanh đều ngỡ ngàng, vỡ lẽ.

Theo tìm hiểu, Phật Song thân, hay còn gọi là Phật Hoan Hỷ, được cho là có khả năng giúp người xem hiểu rõ hơn về sự thân mật giữa nam và nữ. Do hình tượng nhạy cảm, dễ gây phản cảm, những bảo vật bên trong Vũ Hoa Các mới không được phép trưng bày rộng rãi trước công chúng.

Như vậy, sau lớp màn bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ, lý do thực sự khiến Vũ Hoa Các trở thành khu vực cấm địa trong Tử Cấm Thành đã được hé lộ. Không phải vì bảo vật quý hiếm mà chính vì những pho tượng Phật song thân mang ý nghĩa giáo dục giới tính đặc biệt dành riêng cho các Hoàng đế trước khi bước vào hôn nhân. Câu chuyện thú vị này không chỉ giải đáp thắc mắc của hậu thế, mà còn hé lộ một khía cạnh kín đáo, ít được biết đến trong đời sống cung đình xưa.

Bích Hậu (Theo Sohu)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/bi-mat-tu-cam-thanh-vi-sao-vu-hoa-cac-dong-cua-voi-hau-the-266354.htm