Bị nghi ngờ làm con số 'đẹp như mơ', ngành thống kê trải lòng ra sao?
Tại sao giá cả hàng hóa tăng mạnh nhưng CPI của Việt Nam tăng thấp, tỷ lệ thất nghiệp loanh quanh 2-3% dù doanh nghiệp phá sản, đóng cửa hàng loạt; thu nhập bình quân đầu người cao… Đây là những hoài nghi về các con số mà ngành thống kê công bố.
Tại buổi tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, ngành thống kê chưa bao giờ chịu sức ép về việc phải xử lý số liệu như thế nào nhưng phải chăng công tác tuyên truyền chưa thật sự tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng.
‘Bóp méo số liệu là có tội với nhân dân’
Cụ thể, đó là những băn khoăn về việc giá rau quả, trái cây, giá điện… tăng nhưng con số CPI vẫn “đẹp như mơ”. Cụ thể, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chia sẻ, đối với người làm công tác thống kê, không có con số đẹp, con số xấu; chỉ có con số phản ánh chân thực bức tranh kinh tế - xã hội. Nếu cố tình bóp méo số liệu thống kê là có tội với nhân nhân. Mỗi người làm thống kê đều nhận biết việc này, nên cố gắng phản ánh xác thực nhất tình hình kinh tế - xã hội.
Thống kê khác kế toán, kế toán yêu cầu chính xác từng đồng thì thống kê là phản ánh xu hướng. Theo bà Oanh, đúng là giá mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng trong 5 tháng đầu năm nhưng ở mức không cao; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu, rau tăng 3,39%, thịt gà tăng 4,58%, thủy hải sản tăng 3,97% so với cùng kỳ do nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu thực phẩm không tăng cao.
Về phương pháp, lãnh đạo Vụ Thống kê giá khẳng định, sử dụng theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, xác định rổ hàng hóa với tổng số 752 mặt hàng. Hàng tháng, hơn 2.000 điều tra viên điều tra ở hơn 40.000 điểm điều tra giá, thực hiện 3 kỳ điều tra ở các tỉnh thành trên cả nước.
Về con số thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, tỷ lệ này hoàn toàn được đưa ra sau khi tiến hành cuộc điều tra về lao động và việc làm trên cả nước, thực hiện trên 18.000 hộ/tháng, với khoảng 70 câu hỏi.
Ông Nam lý giải, để gọi là thất nghiệp hay không thì phải căn cứ trên việc người đó có từ 15 tuổi trở lên hay không, có sẵn sàng làm việc và tìm việc trong 7 ngày qua hay không. Còn nếu người đó không muốn đi làm và cũng không có nhu cầu tìm việc thì không gọi là thất nghiệp.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện tương đương Thái Lan, Philippines, thấp hơn Lào và Campuchia. “Những năm đầu, chuyên gia từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngồi cùng với chúng tôi hàng tháng trời để điều tra lao động và việc làm, nên giờ các tổ chức này rất tự tin và sử dụng số liệu, lao động việc làm mà Việt Nam công bố”, ông Nam nói.
Chưa lượng hóa được mức độ ảnh hưởng của mất điện
Mặt khác, ông Nam cho biết, tỷ lệ lao động mất việc ghi nhận cao ở TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang… nhưng ở các địa phương khác không ghi nhận tình hình này nên cần phải nhìn vào bức tranh tổng thể của cả nước, chứ không cá biệt ở một vài địa phương…
Trong khi đó, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp kể lại, trong thời gian qua, sản xuất công nghiệp suy giảm do tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, và lĩnh vực sản xuất luôn được quan tâm. Tổng cục Thống kê đã liên tục cập nhật các con số tăng trưởng công nghiệp, xây dựng; đồng thời có những cảnh báo, khuyến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước, đi kèm phân tích nguyên nhân vì sao tăng, vì sao giảm.
“Khi chúng tôi sản xuất thông tin, trình số liệu lên Tổng cục trưởng, câu đầu tiên lãnh đạo hỏi là tình hình sản xuất khả quan chưa? Với quan điểm của những người làm thống kê là không có số liệu xấu hay đẹp nhưng chúng tôi vui buồn cùng con số. Làm số liệu, nhìn bức tranh khả quan, tươi sáng, thì chúng tôi sẽ vui hơn; còn số liệu sụt giảm, khó khăn cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng thấy không vui”, bà Hương Nga trải lòng.
Đáng chú ý, trước câu hỏi Tổng cục Thống kê đã đánh giá được tác động của việc tăng giá điện, cắt điện trên diện rộng, đột ngột làm ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội ra sao? Bà Nga cho biết, các số liệu về phía cung như sản lượng, tiêu thụ… đều được lấy từ EVN, than từ TKV, khí từ PVN.
Về phía cầu, Tổng cục Thống kê thu nhập thông tin qua doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh. Vài năm trở lại đây có một vài lần, Tổng cục Thống kê xây dựng mô hình đánh giá tăng giá điện ảnh hưởng tới CPI, GDP. Còn về cắt điện, đến nay, Tổng cục Thống kê thu thập thông tin từ sản xuất kinh doanh nhưng chưa đầy đủ để đánh giá tác động của việc cắt điện thường xuyên ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nền kinh tế ra sao.
“Tuy nhiên, điều tra hàng quý, chúng tôi đều có câu hỏi về tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong các tháng có thuận lợi, khó khăn, kiến nghị gì. Trong kỳ báo cáo tháng 6 tới, chúng tôi sẽ thông tin thêm”, bà Nga cho biết.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc cắt điện diện rộng cần phải có số liệu phân tích chuyên sâu, chi tiết về mức độ cắt giảm, thiệt hại ra sao, hỏng máy móc, tốn thời gian khởi động lại như thế nào…
Ở khía cạnh phân tích thống kê, bà Hương cho rằng, công việc của ngành cũng giống như viết một bài báo, cơ quan thống kê cũng cần có những dữ liệu, căn cứ xác thực để biến những con số khô khan thành những “con số biết nói”.