Bí quyết đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT

Còn 1 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ diễn ra. Các thầy cô giáo chỉ rõ một số cách thức làm bài giúp thí sinh đạt kết quả tốt tất cả các môn tại kỳ thi quan trọng này.

Thí sinh cần nắm vững chiến thuật làm bài thi để đạt điểm cao

Thí sinh cần nắm vững chiến thuật làm bài thi để đạt điểm cao

Môn toán

Muốn đạt điểm cao ở môn toán, thí sinh cần biết quản lý thời gian hợp lý. Theo đó, khi làm từ câu 1- 40 (theo mức độ dễ đến khó) nên đảm bảo tính cẩn thận và làm trong thời gian khoảng 45 - 50 phút.

Thời gian còn lại phân bổ hợp lý làm các câu phân loại theo kỳ vọng mục tiêu của bản thân. Khi đã làm đủ đạt kỳ vọng với sức học tập, cố gắng giành thời gian rà soát lại bài làm và đối chiếu đáp án tô trên tờ phiếu trả lời trắc nghiệm.

Trong quá trình làm bài, thí sinh nên nhớ những câu còn nghi vấn phương án lựa chọn của mình để có thời gian rà soát lại. Nháp bài theo vùng gọn gàng trên tờ nháp để khi tìm thông tin của bài đó nhanh chóng, dễ dàng.

Khi gặp đề khó có tính phân loại cao hoặc đề dễ so với sức học của bản thân, thí sinh cần bình tĩnh, làm bài cẩn thận để không xảy ra sai sót với những câu dễ.

Môn ngữ văn

Phần đọc hiểu với 4 câu hỏi được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao. Khi làm bài, thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải.

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Thí sinh chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân/ý nghĩa/hậu quả/giải pháp/bài học…), tuyệt đối không biến đoạn văn thành bài văn thu nhỏ với tất cả các khía cạnh của vấn đề. Về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…

Bài nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh cần tích cực rà soát lại những đơn vị kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm trong chương trình ngữ văn lớp 12, ghi nhớ những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của mỗi bài.

Cùng với đó, cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong câu lệnh của đề bài; phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài, thiếu ý.

Môn tiếng Anh

Đề thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn được tổ chức với 100% là các câu hỏi trắc nghiệm, 50 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút. Các dạng câu hỏi vẫn là dạng bài hoàn thành câu, từ đồng nghĩa - trái nghĩa, phát âm - trọng âm, tiếng Anh giao tiếp, hoàn thành đoạn văn, đọc hiểu, tìm lỗi sai và viết lại câu.

Với kiến thức ngữ pháp, thí sinh cần hệ thống lại kiến thức về từ loại (danh từ - tính từ - trạng từ), giới từ, đại từ, động từ (thì động từ - câu bị động – danh động từ), trợ động từ (modal verbs), liên từ, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, so sánh tính từ và trạng từ. Ngoài ra, cần lưu ý tới kiến thức liên quan tới câu gián tiếp và câu trực tiếp. Với từ vựng, thí sinh đọc lại các bài đọc đã được học trong chương trình học lớp 12 để củng cố và nắm vững các từ vựng quan trọng đã học.

Để đạt điểm số cao, thí sinh cần phát triển kỹ năng làm bài để có thể xử lý các dạng bài khác nhau trong đề thi như dạng bài từ đồng nghĩa - trái nghĩa, dạng bài hoàn thành đoạn văn hay dạng bài đọc hiểu.

Môn vật lý

Đề thi vậy lý gồm 40 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn A, B, C, và D. Để có thể phân bổ thời gian cho số câu hỏi cần chủ động làm đúng, thí sinh chia câu hỏi trong bài thi thành 4 hạng: 15 câu đầu tiên là hạng 1 (H1); các câu từ 16 đến 30 là hạng 2 (H2); các câu từ 31 đến 35 là hạng 3 (H3); và 5 câu hỏi cuối cùng trong đề thi là hạng 4 (H4). Trên cơ sở đó, thí sinh xây dựng được bảng phân phối thời gian làm bài theo mức điểm mong muốn và theo từng hạng câu hỏi.

Việc tạo khung thời gian để dễ kiểm soát, tránh xảy ra tình trạng thời gian dành cho các câu hỏi trước lấn sang thời gian dành cho các câu hỏi phía sau. Cách làm này hoàn toàn không hạn chế việc thí sinh có thể làm tốt hơn mục tiêu đã đề ra.

Môn hóa học

Với những thí sinh mục tiêu đỗ tốt nghiệp, nên tập trung ôn vào kim loại vì phần này chiếm số lượng lớn các câu trong đề hơn, đặc biệt là chương đại cương kim loại.

Với những thí sinh mục tiêu điểm cao, cần rà soát lại lý thuyết, luyện những mệnh đề đúng/sai sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức rất tốt; đọc lại sách giáo khoa những phần hay bỏ qua và hay quên như tính chất vật lý, ứng dụng, polime... Đọc lại những thí nghiệm có trong sách giáo khoa để hiểu được các bước tiến hành, các hiện tượng thí nghiệm liên quan đến màu sắc, khí, kết tủa.

Trong quá trình làm bài, thí sinh tránh việc mất điểm đáng tiếc; cần đọc hết nội dung câu hỏi, không để xảy ra tình trạng đọc đến nửa câu đã khoanh đáp án dẫn đến trả lời sai.

Môn sinh học

20 câu hỏi đầu dành cho thí sinh mục tiêu thi tốt nghiệp nên rất ngắn, dễ và chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu; thông thường, 20 câu này nằm ngay trong trang đầu tiên của đề. Nhiều khả năng, đề thi năm nay sẽ có nhiều câu hỏi đếm hơn thường lệ, số lượng câu hỏi sinh thái cũng sẽ gia tăng do nội dung này gắn liền với ứng dụng vào cuộc sống.

Bên cạnh hiểu đề, thí sinh phải hiểu mình, cần đặt mục tiêu bao nhiêu điểm để phù hợp với lực học và định hướng xét tuyển vào đại học.

Môn lịch sử

Thí sinh cần chú ý bám sát vào ma trận đề thi mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra; làm chủ các sự kiện, nhân vật, hiện tượng lịch sử cơ bản; nắm vững các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội để có phân tích lựa chọn chính xác cho các câu hỏi; làm rõ đặc điểm riêng, nổi bật của từng giai đoạn thời gian trong lịch sử.

Có thể học theo các từ khóa lịch sử cơ bản đặc trưng của từng chuyên đề, từng giai đoạn, từng bài; học theo sơ đồ tư duy lịch sử, timeline các sự kiện, giai đoạn lịch sử....

Môn địa lý

Cấu trúc bài thi địa lí có 4 câu về địa lí tự nhiên; 7 câu Địa lí ngành kinh tế; 2 câu địa lí dân cư; 8 câu Địa lí vùng kinh tế. Đối với các câu hỏi kĩ năng, nội dung bao gồm 15 câu hỏi liên quan khai thác Atlat; 2 câu kĩ năng biểu đồ, 2 câu bảng số liệu.

Đối với ngành kinh tế và vùng kinh tế chiếm khoảng 50 – 60% đề thi. Thí sinh hãy vận dụng kĩ năng phân tích, so sánh giữa các vùng kinh tế để tìm ra những điểm tiêu biểu, nổi trội.

Trong cấu trúc đề thi minh họa môn địa lí 2024, phần nội dung câu hỏi Atlat chiếm 15 câu. Kiến thức phần Atlat địa lí Việt Nam rất rộng, bao gồm tất cả nội dung chương trình địa lí lớp 12, tập trung vào 4 mảng kiến thức lớn là tự nhiên Việt Nam, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Song phần lớn các câu hỏi sử dụng Atlat chỉ nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu, nên đạt được 3,75 – 4 điểm từ Atlat là không khó.

Môn giáo dục công dân (GDCD)

Việc đầu tiên và quan trọng nhất của thí sinh là đọc kỹ đề thi. Các nội dung học môn GDCD luôn gắn với đời sống; vì vậy, thí sinh có thể vận dụng hiểu biết của mình để giải quyết vấn đề trong bài thi.

Thứ hai, khi làm bài thi, thí sinh nên chọn đáp án là những thuật ngữ quen thuộc đã gặp trong quá trình học, chứ không phải sử dụng kiến thức/cách nói thông thường.

Thứ ba, là khi làm bài tình huống, thí sinh hãy đọc ngược từ câu hỏi. Thí sinh hãy đọc kỹ câu hỏi trước, xem câu hỏi đề cập tới nhân vật nào, nội dung gì… rồi mới đọc lên đoạn tình huống ở phía trên. Làm như vậy để không bị các thông tin khác nhau trong tình huống gây nhiễu, xác định được chính xác nội dung mình cần trả lời.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra ngày 27 - 28/6. Công tác chấm thi được triển khai từ ngày 29/6/2024. Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bi-quyet-dat-diem-cao-tai-ky-thi-tot-nghiep-thpt.html