Bí quyết để... lười
Bạn tin không, từ xưa chúng ta đã làm việc cật lực như bây giờ. Ngay cả những nông dân trung cổ cũng lao động ít thời gian hơn, và có nhiều thời gian nghỉ hơn một người công nhân hiện đại.
Thật ngược đời, ám ảnh việc phải cải thiện cuộc sống lại khiến chúng ta cô đơn hơn, bệnh tật hơn và căng thẳng hơn bao giờ hết. Chất lượng cuộc sống được ta đánh giá qua hiệu suất thay vì qua sự bổ ích ta thu được.
Giải pháp những vấn đề kể trên rất đơn giản. Cuốn sách “Lười - một lần lười bằng mười thang thuốc bổ” của tác giả Celeste Headlee (dịch giả Nguyễn Như Uyển Linh; NXB Phụ nữ, công ty phát hành CTCP Văn hóa và Công nghệ Tuệ Tri) sẽ chỉ cho bạn cách để dành thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa và không làm bất cứ điều gì.
Thông điệp của “Lười” gửi đến bạn cả phương thức chẩn đoán lẫn kế hoạch hành động bằng cách kết hợp thông tin tổng quát về những sai lầm trong quá khứ của chúng ta với những cách thức cải thiện vô cùng đơn giản cho tương lai để tạo nên một liều thuốc giải cho thế giới cuồng năng suất này.
Một số căn nguyên của vấn đề này chính là vì ta đã xóa bỏ những cách biểu hiện tình người cơ bản nhất chỉ vì chúng kém năng suất: sống chậm và “nhàm chán”, những cuộc điện thoại dài, những sở thích cá nhân, tụ tập ăn uống với hàng xóm, tham gia các câu lạc bộ giao lưu kết bạn.
Ta cười trìu mến khi nghĩ về sự ngây ngô của ngày xưa, ngày người ta còn dư dả thời gian để tập chơi bóng rổ hay khoe từng tấm ảnh du lịch với bạn bè. Lỗi thời nhỉ, dễ thương nhỉ, khi ông bà ta có thời gian cho những việc như lập nhóm thêu thùa hay chơi bóng gỗ trong vườn.
Nhưng ông bà ta phải có ít thời gian hơn ta mới đúng chứ? Ta có lò vi sóng, máy rửa bát, máy cắt cỏ, mạng internet cơ mà. Cần gì ta đều có thể đặt giao tới tận cửa. Ta có robot hút bụi, có trợ lý ảo cho ta biết tình hình thời tiết và giúp ta đặt chuông báo thức.
Nếu cộng hết thời gian mà những tiến bộ công nghệ suốt một trăm năm qua đã giúp ta tiết kiệm, chẳng phải ta sẽ có hàng tiếng đồng hồ dư dả để làm gì thì làm sao? Hiệu suất cao là vậy, sao chúng ta vẫn quá tải? Sao ta làm việc quá năng suất mà thành quả chẳng có mấy?
Thật ngược đời, ám ảnh việc phải cải thiện cuộc sống lại khiến chúng ta cô đơn hơn, bệnh tật hơn và căng thẳng hơn bao giờ hết. Chất lượng cuộc sống được ta đánh giá qua hiệu suất thay vì qua sự bổ ích ta thu được. Động cơ hoạt động của ta hiếm khi nào là để tận hưởng hoạt động đó, mà hầu như chỉ vì cái mong muốn liên tục tiến bộ, muốn mình thật năng suất.
Mạng xã hội quả thực đã góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của “giáo hội năng suất”. Nó khiến việc so sánh bản thân với người khác trở nên quá dễ dàng, và khi ta so sánh bản thân với những người xuất sắc nổi bật, ta đang gửi thông điệp cho bản thân rằng mình không đủ tốt, và cuộc sống của mình hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn.
Ta sẽ có khao khát vượt mặt người khác và sẽ khiến cho ta không ngừng thi đua trở thành người hoạt động năng suất và hiệu quả nhất trên mạng. Và chẳng cần nói cũng biết, đó là một cuộc đua ta không bao giờ thắng được.
Tác giả Celeste Headlee sẽ định nghĩa lại "năng suất" và giúp người đọc có thể tận hưởng niềm vui đích thực từ việc "lười" để tối ưu cuộc sống.
Thùy Lâm
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bi-quyet-de-luoi-post115623.html