Bí quyết điểm cao Môn Lịch sử - Luyện tốt các chuyên đề, rèn kĩ năng bài trắc nghiệm

Để đạt kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS cần học tốt kiến thức trên lớp, ôn tập kĩ nội dung trong các chuyên đề, đồng thời luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Cô Trần Quỳnh Chi.

Cô Trần Quỳnh Chi.

Đó là lời khuyên của cô Trần Quỳnh Chi - GV Trường THPT chuyên Tuyên Quang với các sĩ tử trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Nhớ các sự kiện

Lấy ví dụ bài tập: “Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 -1918), phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc diễn ra sôi nổi, liên tục với hai xu hướng khác nhau (tư sản và vô sản)”. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể của phong trào trong những năm 1918 – 1939, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Để làm bài tập này, HS cần nhớ các chi tiết: Dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân, nhân dân các nước thuộc địa bị bóc lột một cách tàn tệ, nhất là trong thời gian chiến tranh. Vì vậy, họ đã vùng dậy chống áp bức bóc lột. Cách mạng tháng Mười Nga (1917) nổ ra và thắng lợi đã cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt là ở châu Á, đứng lên đấu tranh tự giải phóng.

Tại Trung Quốc, dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, một cao trào chống đế quốc, phong kiến của nhân dân Trung Quốc bùng nổ. Đó là phong trào Ngũ Tứ nổ ra ngày 4/5/1919, mở đầu bằng cuộc biểu tình của hơn 3.000 SV Bắc Kinh.

Click vào ảnh để xem nội dung

Click vào ảnh để xem nội dung

Lần đầu tiên giai cấp công nhân Trung Quốc bước lên vũ đài chính trị như một lực lượng cách mạng, lực lượng chính trị độc lập. Trên cơ sở này, Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập (tháng 7/1921), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào công nhân và công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc.

Tháng 7/1937, Nhật Bản tuyên chiến nhằm thôn tính toàn Trung Quốc. Trước nguy cơ xâm lược của Nhật Bản, Đảng Cộng sản chủ động đề nghị với Quốc dân đảng đình chiến, cùng hợp tác chống Nhật. Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật thành lập. Từ đó, cách mạng Trung Quốc chuyển sang thời kỳ kháng Nhật cứu nước.

Đồ họa: An Nhiên

Đồ họa: An Nhiên

Trong những năm 1919 - 1929, ở Ấn Độ diễn ra phong trào đấu tranh sôi nổi, liên tục của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác. Bãi công đã nổ ra ở các thành phố Cancútta, Bom Bay, Mađrát và nhiều trung tâm công nhân.

Lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ do M.Găngđi đứng đầu. Ông chủ trương lôi cuốn đông đảo quần chúng vào cuộc đấu tranh đòi độc lập, chống ách thống trị ngoại bang, thủ tiêu mọi tàn tích phong kiến cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dân tộc và thiết lập một xã hội Ấn Độ phồn thịnh bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng bạo lực – “học thuyết bất bạo động”.

Phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi và liên tục ở các nước Lào, Campuchia, Việt Nam. Việc ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của cách mạng ba nước.

Các phong trào trên cho thấy những chuyển biến của phong trào giải phóng dân tộc từ sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Bên cạnh phong trào theo xu hướng tư sản (dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp tư sản), ở nhiều nước phong trào đã đi theo con đường Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa Mác – Lênin (dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp vô sản).

Cô Trần Quỳnh Chi và học sinh Trường THPT chuyên Tuyên Quang.

Cô Trần Quỳnh Chi và học sinh Trường THPT chuyên Tuyên Quang.

Làm tốt bài thi trắc nghiệm

Trong 40 câu hỏi của đề thi tham khảo môn Lịch sử năm nay, có 8 câu liên quan đến phần Lịch sử thế giới. Trong đó có câu: Trong những năm 1946 - 1950, nhân dân Ấn Độ đấu tranh nhằm mục tiêu nào sau đây? A. Khôi phục chế độ quân chủ. B. Lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ. C. Giành độc lập dân tộc. D. Chống chủ nghĩa phát xít. Đáp án là phương án C, giành độc lập dân tộc. Đây là kiến thức nằm trong sách giáo khoa và chính là nội dung đã ôn tập trong chuyên đề kể trên.

Để làm tốt bài thi lịch sử, HS cần rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm. Trước khi làm bài, thí sinh nên đọc hết các câu hỏi và đáp án của đề thi, sau đó phân tích và xử lý nhanh những yêu cầu của đề. Chỉ có 50 phút để làm 40 câu hỏi trong bài thi, học sinh không nên mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó, vì thời gian trung bình mỗi câu chỉ khoảng 1,25 phút.

Khi làm bài thi, thí sinh cần đọc kĩ yêu cầu của đề, tìm ra “từ khóa” chính, nếu cần thiết có thể dùng bút chì khoanh tròn “từ khóa”. Đây là cách dễ dàng nhất giúp thí sinh có thể chọn được đáp án chính xác và nhanh nhất, không sợ lạc đề hay nhầm kiến thức.

Đồ họa: An Nhiên

Đồ họa: An Nhiên

Khi xem một câu hỏi, nếu không nhớ chính xác câu trả lời, thay vì đoán mò hoặc khoanh bừa, thí sinh hãy dùng phương pháp loại trừ. Phương pháp loại trừ là cách tốt nhất đề chọn được đáp án chính xác. Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, các em có thể thử tìm phương án sai cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.

Các em cần phân biệt một số dạng câu hỏi thường gặp để trên cơ sở đó có phương án trả lời cho từng dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan: Dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn phương án trả lời đúng; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hoàn thành câu bằng hình thức điền vào ô trống những kiến thức đúng; dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh phải lựa chọn ý phủ định…

Đồ họa: An Nhiên

Đồ họa: An Nhiên

Để làm tốt bài thi, học sinh cần chú ý nắm chắc kiến thức cơ bản của sách giáo khoa hiện hành và tránh học tủ, học lệch vì kiến thức của 40 câu trải đều từ phần lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam theo trình tự thời gian, các kiến thức đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bi-quyet-diem-cao-mon-lich-su-luyen-tot-cac-chuyen-de-ren-ki-nang-bai-trac-nghiem-2yyTf29MR.html