Bí quyết giúp bà con dân tộc thiểu số Quảng Nam thu nhập trăm triệu mỗi năm

Quảng Nam đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm phát triển kinh tế tập thể, HTX năng động, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số ở Quảng Nam giảm tới 10,04%, trong khi chỉ tiêu giảm hàng năm của giai đoạn 2021 - 2025 là 3%.

Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống rất bấp bênh. Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, mô hình trồng cây dược liệu đã giúp cho nhiều hộ đồng bào DTTS xóa đói giảm nghèo và đang được huyện nhân rộng trên địa bàn.

Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị

Thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tây Giang đã phát triển mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đẳng sâm và ba kích. Đây là 2 loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mở cơ hội giúp đồng bào DTTS không những có thu nhập ổn định, mà còn có thể làm giàu.

Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, huyện Tây Giang triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm.

Đẳng sâm là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào DTTS góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện.

Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ... sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch. Riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho đồng bào DTTS có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia. Cùng với đó, HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hàng trăm hộ gia đình có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm.

Anh Alăng Lơi, thôn Achoong, xã Ch'Ơm cho biết, trước đây, gia đình anh từng trồng hơn 1ha đẳng sâm nhưng đến mùa thu hoạch vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Từ khi huyện Tây Giang triển khai "Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719, không chỉ có nhà anh Lơi mà nhiều hộ trồng sâm ở xã Ch'Ơm đã được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Trồng cây dược liệu và có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý không chỉ là hướng đi giúp bà con xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn góp phần vào việc khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ở vùng miền núi này. Là một trong những người tiên phong trong trồng cây sâm ba kích ở xã Lăng, huyện Tây Giang, gia đình già làng Bhríu Pố mỗi năm khai thác khoảng 2.000 gốc và có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 120-170 triệu đồng.

Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Từ một số sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đẳng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.

Vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh ước có hơn 605 HTX và 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động tốt. Kinh tế tập thể (KTTT), nòng côt là các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào DTTS mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo miền núi.

Làng của người Cơ Tu ở xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Làng của người Cơ Tu ở xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, KTTT mà nòng cốt HTX là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tập hợp đồng bào DTTS tham gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã thành lập một số mô hình KTTT, được chính quyền các cấp tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất.

Các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ hoạt động, đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả bước đầu, KTTT tại các khu vực miền núi Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn về vốn đang là điểm nghẽn tại nhiều HTX hiện nay và cần những chính sách phù hợp tạo cơ hội để HTX phát triển bền vững. Tình trạng HTX gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình KTTT.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các hộ gia đình địa phương và một số đại lý nhỏ. Mong muốn lớn nhất hiện nay của HTX là được chính quyền và ngành chuyên môn các cấp quan tâm hỗ trợ, nhất là thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, năng lực nội tại của HTX vẫn còn nhiều bất cập như một số HTX thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy HTX kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu…

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS ở Quảng Nam giảm tới 10,04%

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định, trường hợp HTX đủ điều kiện vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Nếu tại một thời điểm, với cùng một nội dung hỗ trợ có những chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì các HTX được lựa chọn chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Nguồn vốn thực hiện bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, trong đó để thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh (46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Tiếp đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình số 21 ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 6/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

Cụ thể, đến năm 2030, toàn tỉnh thành lập mới khoảng từ 450 - 600 tổ hợp tác, 300 - 400 HTX, 7 liên hiệp HTX. Các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5-6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3-5%/năm; lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3-5%/năm. Đảm bảo khoảng 60-70% tổ chức KTTT hoạt động đạt loại khá, tốt; trong đó có khoảng 50% tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh…

Với những hỗ trợ thiết thực trên, KTTT, HTX, tổ hợp tác tại tỉnh Quảng Nam sẽ rộng đường phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó phát huy trách nhiệm xã hội vào giải quyết việc làm và an sinh xã hội tại địa phương, đặc biệt là tại 6 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kết quả nổi bật nhất trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) trên địa bàn tỉnh là tỷ lệ hộ nghèo giảm rất mạnh. Cụ thể năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm tới 10,04%, trong khi chỉ tiêu giảm hàng năm của giai đoạn 2021 - 2025 là 3%.

Bên cạnh đó, các địa phương đã hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 735 hộ; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ; xóa nhà tạm cho 512 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ…

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đề ra năm 2023 đều cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Chương trình đã tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất; từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực cho các hộ sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; nâng cao mức sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân. Qua đó đã bước đầu giúp người nghèo, đồng bào các DTTS có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân hằng năm từ 0,3 - 0,4%/năm trở lên, trong đó tỷ lệ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm.

Minh Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/bi-quyet-giup-ba-con-dan-toc-thieu-so-quang-nam-thu-nhap-tram-trieu-moi-nam-1097437.html