Bí quyết làm giàu trên núi cao của người Mông ở bản Phiêng Cài

Những ngày cuối năm, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập huyện Mộc Châu, Sơn La, vẫn bình yên, xanh mướt một màu của hoa trái. Bản chỉ có đồng bào Mông sinh sống đã tích cực thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm giàu cho gia đình ở trên núi cao.

 Người dân bản Phiêng Cài sáng tinh mơ đã cặm cụi làm đất để sớm trồng cây màu cho vụ mới

Người dân bản Phiêng Cài sáng tinh mơ đã cặm cụi làm đất để sớm trồng cây màu cho vụ mới

Cả bản ngườiMông chỉ có 2 hộ nghèo

Tráng Láo Của thăm vườn mận hậu

Tráng Láo Của thăm vườn mận hậu

"Cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, chỉ là chúng tối cố gắng làm ăn để sinh sống thôi" - ông Tráng Láo Tú, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Phiêng Cài chia sẻ. "Chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trồng cây ăn quả trên đất dốc, "có sức người sỏi đá cũng thành cơm" - ông Tráng Láo Tú dí dỏm nói.

Theo ông Tráng Láo Tú, bản Phiêng Cài có 88 hộ dân sinh sống, 100% là người dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp. Với hơn 100 ha đất nông nghiệp, bà con trồng 45 ha lúa nương và 60 ha ngô.

Để vận động bà con đưa các loại giống cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất, Ban Quản lý bản đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, họp giữa trưởng các dòng họ để khảo sát và giúp các gia đình đăng ký trồng cây ăn quả. Nhờ đó, bà con đã trồng gần 30 ha cây ăn quả, trong đó hơn 11 ha chanh leo, còn lại là các loại cây mận, mơ, cam... Hiện nhân dân trong bản đang thu hoạch chanh leo, nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất trung bình đạt 12 tấn quả/ha, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ loại cây trồng này. Điển hình như gia đình các ông: Tráng Páo Dế, Tráng Láo Tú, Tráng Láo Páo... , góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản xuống đáng kể. Giờ trong bản người Mông Phiêng Cài chỉ còn 2 hộ nghèo.

Vợ chồng anh Tráng A Chai đang tháo những dây chằng chịt ở vạt chanh leo bên sườn núi

Vợ chồng anh Tráng A Chai đang tháo những dây chằng chịt ở vạt chanh leo bên sườn núi

Tráng A Chai, một hộ dân đang tháo những dây chằng chịt trên vạt chanh leo bên sườn núi chia sẻ: "Tôi đang dỡ lứa chanh này đi và làm lại, bởi cây đã cỗi rồi. Vợ chồng tôi sẽ tiếp tục trồng thêm những vụ chanh mới. Thu nhập từ chanh leo không giúp chúng tôi giàu có (khoảng 50 triệu/năm) nhưng vẫn tốt hơn trồng lúa, ngô nhiều, đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình". Dù vậy, gia đình anh Tráng A Chai vẫn trồng thêm lúa, ngô, dành dụm nuôi 2 con bò, 3 con trâu, anh bảo, đó sẽ là một khoản tích lũy dành cho những công việc lớn lao của gia đình.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, người dân ở Phiên Cài rất đoàn kết. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhà nước hỗ trợ xi măng, Ban Quản lý bản đã họp bàn với nhân dân để bê tông hóa các tuyến đường vào bản và nội bản. Bà con đều nhất trí cao, sẵn sàng hiến đất, góp công, góp tiền làm đường. Sau khi thống nhất, Ban Quản lý bản đã chia ra 3 đợt làm đường, thống nhất mức đóng góp là 2,4 triệu đồng/nhân khẩu. Năm 2018, đường nội bản đã được đổ bê tông, với tổng chiều dài là 2,6 km, giúp nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu phát triển kinh tế thuận lợi hơn.

Từng ở vùng điểm nóng về ma túy, nhưng người dân bản Phiêng Cài không có người nghiện ma túy hay tham gia buôn bán ma túy

Từng ở vùng điểm nóng về ma túy, nhưng người dân bản Phiêng Cài không có người nghiện ma túy hay tham gia buôn bán ma túy

Và một điều mừng là nơi đây đã từng là điểm nóng về ma túy, nhưng nhiều năm qua, bản Phiêng Cài không còn người nghiện ma túy mới và không có trường hợp nào buôn bán trái phép chất ma túy.

Phải tìm đầu ra cho sản phẩm giúp bà con

Theo ông Tráng Láo Tú, người dân Phiên Cài rất hồ hởi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện trong bản có 30 hộ trồng chanh leo, hầu hết các hộ gia đình trồng cây mận hậu, hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định sản xuất. "Nhờ công khó nhọc của người dân đã đem lại những mùa vàng bội thu, nhưng điều người dân lo ngại lúc này là đầu ra cho nông sản. Mận hậu có lúc rẻ như cho, khoảng 3.000đ/dg, chanh leo cũng vậy. Nếu không có nhà máy chế biến, thương lái ép giá, người dân sẽ nản chí" - ông Tráng Láo Tú chia sẻ.

"Tìm đầu ra cho nông sản ở đây là bài toán khó" - Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập Lò Văn Nước nói. Theo ông Lò Văn Nước: "Xã chúng tôi đã đang tìm cách kéo nông nghiệp về với địa phương, có vài doanh nghiệp đến khảo sát để xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, nhưng rồi chưa có động tĩnh gì. Xã đã họp và kiến nghị huyện Mộc Châu có nhà máy chế biến nông sản để thu mua nông sản của bà con, trước mắt chính quyền xã phải thành lập các tổ hợp tác xã để bán sản phẩm của bà con".

Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập Lò Văn Nước đau đáu tìm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi của người dân xã vùng biên nơi này

Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập Lò Văn Nước đau đáu tìm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi của người dân xã vùng biên nơi này

"Xã Lóng Sập đã xây dựng lại kế hoạch năm 2021-2025 xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là trồng chanh leo và cây chè. Chúng tôi đã làm việc với một số doanh nghiệp, họ nói sẽ sẵn sàng thu mua sản phẩm cho toàn xã. Hy vọng, nông sản của bà con làm ra trong thời gian tới sẽ không chịu cảnh thương lái ép giá" – ông Lò Văn Nước cho biết.

Hải Linh, Ảnh: Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bi-quyet-lam-giau-tren-nui-cao-cua-nguoi-mong-o-ban-phieng-cai-20221111204459159.htm