Bí quyết nào giúp Petrovietnam vượt qua khủng hoảng và lập kỷ lục doanh thu 1 triệu tỷ đồng?

Từ khủng hoảng sâu sắc đến đỉnh cao tăng trưởng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chứng minh sức mạnh của sự đổi mới và quản trị chiến lược. Với những cải tổ toàn diện và các phương châm hành động cụ thể, Petrovietnam đã vượt qua mọi thách thức, đạt được doanh thu kỷ lục hơn 1 triệu tỷ đồng vào năm 2024, củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng Quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí trên công trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí trên công trường

Vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng ngoạn mục

Từ cuối năm 2014 đến 2019, Petrovietnam đã trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Sự suy thoái kinh tế, giá dầu giảm sâu kéo dài, sản lượng khai thác dầu khí suy giảm và những bất cập trong cơ chế chính sách đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn. Ngoài ra, các hạn chế tồn tại từ giai đoạn trước cũng góp phần gia tăng tác động tiêu cực.

Năm 2017, Petrovietnam báo cáo Thủ tướng nguy cơ mất cân đối dòng tiền và rơi vào khó khăn lớn vào năm 2019. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng và Nhà nước, Tập đoàn đã tiến hành cải tổ toàn diện. Kết quả là Petrovietnam đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và lấy lại đà tăng trưởng.

Những con số tích cực gắn đây chứng minh cho thành tựu đáng kể của Tập đoàn. Năm 2023, tổng tài sản Petrovietnam tăng 19% so với năm 2020; tổng doanh thu tăng 81%; và số nộp ngân sách Nhà nước tăng 83%. Thương hiệu Petrovietnam đạt gần 1,4 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2019. Đặc biệt, Petrovietnam đã hoàn thành trước 2 năm các chỉ tiêu nộp ngân sách và lợi nhuận trước thuế hợp nhất theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Petrovietnam hiện đóng góp từ 9-11 tỷ m3 khí mỗi năm cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí dân dụng. Tập đoàn cũng là nhà cung cấp điện lớn thứ hai cả nước với tổng công suất 6.605 MW, chiếm 15% sản lượng điện quốc gia. Tổng tài sản hợp nhất đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 530 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu trong khối doanh nghiệp phi tài chính. Trung bình mỗi năm, doanh thu Petrovietnam chiếm 9-10% GDP quốc gia và nộp ngân sách đóng góp 9-9,5% tổng thu ngân sách.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Petrovietnam ghi nhận ba phát hiện dầu khí mới trong một thập kỷ. Các thành tựu này không chỉ củng cố vị thế hàng đầu trong khối doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo nên nền tảng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng dài hạn.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, những thành tích này đã giúp tăng cường lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng khẳng định Petrovietnam là Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh nhất Việt Nam.

Quản trị biến động, phát huy hiệu quả

Từ năm 2020, Petrovietnam đã xác định phương châm hành động hàng năm, xem đây là giải pháp bao quát, định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Phương châm này giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ và hoàn thành mục tiêu.

Trong năm 2020, Petrovietnam đã đối mặt với khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu (WTI tối điểm xuống âm 37,6 USD/thùng). Phương châm “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích” đã giúp Tập đoàn đạt lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng, trở thành một trong số ít công ty dầu khí trên thế giới vượt qua khủng hoảng an toàn.

Năm 2021, phương châm “Quản trị biến động, Tối đa giá trị, Mở rộng thị trường, Tận dụng cơ hội, Liên kết đầu tư, Phục hồi tăng trưởng” đã hỗ trợ Petrovietnam hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng bất chấp đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Sang năm 2022, Petrovietnam thực hiện phương châm “Quản trị biến động, Đón đầu xu hướng, Kết nối nguồn lực, Phát huy công nghệ, Thúc đẩy đầu tư, Phát triển bền vững”. Kết quả, tổng doanh thu đạt 931,2 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2021, và nộp ngân sách Nhà nước 170,6 nghìn tỷ đồng, vượt 2,64 lần kế hoạch năm.

Trong năm 2023, với phương châm “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”, Petrovietnam đã thiết lập kỷ lục mới khi tổng doanh thu đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm và chiếm 9,2% GDP cả nước.

Bước sang năm 2024, Tập đoàn đặt ra mục tiêu “Quản trị biến động - Bổ sung động lực mới, Làm mới động lực cũ, Tạo nguồn năng lượng mới, Vươn tới đỉnh cao mới”. Mục tiêu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng tổng doanh thu đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và khả năng nhạy bén của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị biến động, coi đây là văn hóa doanh nghiệp. Theo ông, không quản trị tốt biến động có thể dẫn đến mất điểm trong nhiều lĩnh vực. Sự chú trọng vào quản trị biến động giúp Petrovietnam phát huy hiệu quả và đạt được các mục tiêu quan trọng.

Ngoài ra, Tập đoàn đã thúc đẩy chuyển đổi số và tinh gọn hệ thống quản trị, tăng cường hiệu quả hoạt động. Quá trình tái tạo văn hóa doanh nghiệp từ năm 2019 cũng góp phần đưa Petrovietnam trở thành tổ chức tiên phong. Hệ giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” đã thấm nhuần trong từng người lao động, chuyển từ văn hóa quản lý sang quản trị, gắn kết tầm nhìn dài hạn với thực tiễn.

Các chuỗi liên kết và hệ sinh thái Petrovietnam đã mang lại nhiều hiệu quả. Từ năm 2020, Tập đoàn đã hình thành hàng chục chuỗi liên kết nhằm tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mới. Trong chặng đường tiếp theo, Petrovietnam hướng tới trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia, phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế.

Dấu ấn từ quản trị tăng trưởng

Những năm gần đây, Petrovietnam ghi nhận xu hướng tăng trưởng bền vững, với các chỉ tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là yêu cầu xuyên suốt giai đoạn vừa qua. Năm 2023, nhiệm vụ này được cụ thể hóa khi lần đầu tiên Petrovietnam ban hành kế hoạch quản trị, giao mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm với các chỉ tiêu cao hơn so với kế hoạch Chính phủ, Bộ/ngành giao.

Bước sang năm 2024, nhiệm vụ tăng trưởng tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Tập đoàn. Kế hoạch này không chỉ là mệnh lệnh, mà còn kèm theo giải pháp và nguồn lực cụ thể để thực hiện. Toàn hệ thống cùng hướng về mục tiêu chung, từ lãnh đạo đến các đơn vị thành viên, đều được quán triệt tinh thần hỗ trợ, ra quyết định kịp thời, tìm kiếm dư địa tăng trưởng, làm mới động lực truyền thống và bổ sung động lực mới.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu “mãi không chịu lớn”, đặt ra kế hoạch an toàn, thấp hơn năm trước để dễ hoàn thành sẽ là điều nguy hiểm trong công tác quản trị. Tăng trưởng và khát vọng vươn xa phải thường trực trong đội ngũ lãnh đạo, để không ngừng phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế và chăm lo tốt cho người lao động. Ông cũng quán triệt các đơn vị không tự giới hạn, mà luôn suy nghĩ lớn, hành động lớn để vươn tới tầm cao mới.

Petrovietnam đã triển khai nhiều giải pháp quản trị hiệu quả, mang tính tích hợp cao, đảm bảo hệ thống vận hành đồng bộ từ hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, tài chính, nhân sự, đến sản xuất và phát triển thị trường. Những đổi mới này giúp Tập đoàn đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao, đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, với cơ cấu doanh thu và lợi nhuận ổn định giữa các lĩnh vực, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác dầu khí.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) đánh giá, Petrovietnam là tập đoàn tiên phong trong thay đổi nhận thức về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Lãnh đạo Petrovietnam, đặc biệt là Chủ tịch Lê Mạnh Hùng, đã tích hợp quản trị công ty vào chương trình, hệ thống và triển khai đến các đại diện vốn tại công ty thành viên. Điều này không chỉ giảm hao hụt vốn, mà còn đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả nhất.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Petrovietnam phải đổi mới từ cốt lõi, nhất là công tác cán bộ và nguồn nhân lực, phát triển mô hình vượt trội, hội nhập chuỗi toàn cầu, nâng tầm tri thức năng lượng, bứt phá trong tăng trưởng và tạo bước chuyển xanh bền vững. Đây là nền tảng để Tập đoàn thực hiện các bước chuyển mới, định hướng phát triển hôm nay và cho tương lai”.

Thành công vượt bậc của Petrovietnam trong giai đoạn vừa qua gắn liền với đường lối quản trị đúng đắn, giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, tăng trưởng và xác lập vị thế mới. Điều này không chỉ tạo nền tảng vững chắc mà còn giúp Petrovietnam tăng tốc, bứt phá trong giai đoạn mới, hiện thực hóa mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia hàng đầu, góp phần quan trọng vào sự “chuyển đổi - vươn mình” của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bi-quyet-nao-giup-petrovietnam-vuot-qua-khung-hoang-va-lap-ky-luc-doanh-thu-1-trieu-ty-dong-160118.html