'Bí quyết thành công' lan tỏa tinh thần Phật pháp
'Bí quyết thành công' mang tinh thần Phật giáo, tiếp cận con người ta ở khía cạnh làm người, làm sao để có thể có được một cuộc sống an nhiên, làm sao để bản thân có một cuộc sống có ý nghĩa cho chính mình, cho những người xung quanh và cho cộng đồng.
"Bí quyết thành công", nghe tựa cuốn sách có vẻ như nội dung sẽ là những cách dạy con người ta làm giàu như nhan nhản những cuốn sách đã và đang ngập tràn trên các kệ sách bấy lâu nay. Tất nhiên, làm giàu cũng là một trong những điều con người ta hướng tới, nhưng nó không phải điều duy nhất, điều quan trọng nhất đối với một con người khi hiện hữu trên cuộc đời này.
"Bí quyết thành công" mang tinh thần Phật giáo, tiếp cận con người ta ở khía cạnh làm người, làm sao để có thể có được một cuộc sống an nhiên, làm sao để bản thân có một cuộc sống có ý nghĩa cho chính mình, cho những người xung quanh và cho cộng đồng. Và vì vậy, hiểu theo một nghĩa cô đọng nhất, cuốn sách đề cập tới chữ nhân. Thành nhân chính là thành công. Và với sự trải nghiệm của một con người với một cuộc đời đầy phong ba, đối mặt với bao thử thách, biến động và cũng gặt hái được không ít thành công; và trong suốt hành trình cuộc đời đã đi qua, tư tưởng và triết lý đạo Phật luôn thấm nhuần, tất cả những điều đó được tác giả đúc kết lại qua lăng kính và chiêm nghiệm của bản thân để rồi chia sẻ cùng cuộc đời thông qua cuốn sách.
"Bí quyết thành công" của tác giả, nhà nghiên cứu văn hóa Đức Viên ( Nguyễn Sơn Nam) khá đầy đặn với độ dày hơn 300 trang được chia thành 4 chương. Trong đó, chương 1 mang tên "Cái tôi", chương 2 "Một góc nhìn về đạo Phật", chương 3 "Phương châm xử thế", chương 4 "Văn thơ tổng hợp".
Với văn phong giản dị, mộc mạc cùng cách trình bày gần gũi, với tinh thần khiêm tốn, thanh cao tự tại của người con thấm nhuần tư tưởng đạo Phật, tác giả đã bàn tới nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mang tính phản biện trên tinh thần khách quan mang tính xây dựng. Đó chính là một trong những điểm đáng chú ý của cuốn sách này.
Nhà nghiên cứu Đức Viên hết sức coi trọng cái "tôi", mà cái tôi chính là bản ngã của mỗi con người và bởi vậy, cái tôi quyết định giá trị, sự thành bại của một con người. Chính vì vậy, ông đã dành hẳn chương đầu tiên để bàn luận về cái tôi. Thử giải mã cái tôi theo quan niệm đạo Phật thông qua lăng kính của nhà nghiên cứu Đức Viên. Ông cho rằng: "Khi cái tôi của bạn được hạ xuống, bạn sẽ biết trân trọng mọi người ngay tức khắc". Tuy nhiên, "để điều khiển được cái tôi là điều rất khó, bởi "Cái tôi của chúng ta như các quả bóng để trong bể nước. Khi bạn ấn quả này xuống, quả khác lại nổi lên". Dẫu thế, "Ít nhất, ta phải nhận diện ra nó, để kiềm chế và " cảnh giác" nó!". Để khiềm chế và điều khiển được cái tôi, nhà nghiên cứu Đức Viên cũng đưa ra giải pháp bằng cách vận dụng chân lý đạo Phật. Theo ông, "Phật giáo đã đưa ra nhiều cách hướng dẫn để bạn có thể tự điều khiển cái tôi của mình! Ví dụ thỉnh thoảng bạn hãy soi gương, chất vấn con tim của mình để tự hỏi: Mình là ai? Và hãy nhớ, trên trái đất này mình chẳng là cái gì hết! Những gì mình làm ra cũng chưa đủ để trả ơn cho những gì mọi người đang cung dưỡng cho mình?".
Chỉ riêng bàn về cái tôi, trong cuốn "Bí quyết thành công" nhà nghiên cứu Đức Viên cập nó ở các khía cạnh: "Cái tôi đáng trân trọng", "cái tôi đáng ghét", "Cái tôi là căn nguyên của đau khổ", "Xử lý cái tôi"… Qua đây có thể thấy, với bất kỳ một vấn đề nào được đặt ra, tác giả đều nhìn nhận và phân tích nó ở nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau.
Tác giả dành nhiều tâm huyết vào chương hai khi đề cập tới các khía cạnh liên quan đến đạo Phật, từ những nội dung mang tính thuật ngữ, những khái niệm, định nghĩa mang tính lý thuyết như "Tôn giáo là gì?", "Đạo Phật là gì?"… đến vị trí và vai trò của nó trong đời sống chẳng hạn "Sự cần thiết của đạo Phật "chính tín" trong sự nghiệp phát triển xã hội", hay cách hành pháp như thế nào mới có hiệu quả như "Trách nhiệm của người thầy tu", "Giới cấm của người xuất gia", "Phương pháp thuyết giảng"… Cũng nằm trong chương hai có những nội dung rất đáng chú ý như: "Đạo và đời", "Đạo Phật đã thất bại chưa?", "Chức năng của mỗi ngôi chùa", "Không nên hiểu nhầm và thần bí hóa đạo Phật"… qua đó giúp độc giả nhận diện được bản chất của đạo Phật.
Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ nhận xét về cuốn sách: "Anh Nam đã dùng lời nói phải của mình, nói đúng và nói thật trong bối cảnh xã hội hôm nay, không chỉ với Phật giáo, với đời sống xã hội anh Nam cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm bằng những lời nói thẳng, nói thật".
Còn nhà văn Vũ Anh Xuân (Hội Nhà văn Thành phố Hải Phòng) thì cho rằng, "Bí quyết thành công" đã vượt ra ngoài những luận điểm xa vời, mà rất bình dị, thực tế trong xã hội của con người. "Bí quyết thành công" của soạn giả Đức Viên là một tập sách giá trị hàn lâm về Phật học và về muôn màu của xã hội xưa và nay. Những bài viết về xã hội này, nhưng lại dẫn dắt chúng ta hướng về đạo Phật một cách tinh tế.
Cư sĩ Phạm Doãn Hảo (Hải Phòng) chia sẻ: "Bí quyết thành công" đã mạnh dạn nêu lên những mặt trái của một số người đã làm hỏng Đạo Phật, hầu hết các ngôi Chùa… Đã làm những việc: Dâng sao giải hạn, phá địa ngục, đốt vàng mã... tạo sự tin mê vào những người đã chết… Gây tốn kém tiền của mọi người. Đồng thời đi ngược lại tính " Trượng phu…" tính tự lực, tự cường của đạo Phật./.