Bí quyết thoát nghèo ở Yên Thành

Nhờ kiên trì thực hiện 'Mỗi tháng một việc tốt', gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xã Yên Thành đã có những cách làm hay, thiết thực, khơi dậy sức mạnh nội lực trong nhân dân để thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Hoàng Thị Tám, thôn Yên Lập, xã Yên Thành phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bản địa.

Chị Hoàng Thị Tám, thôn Yên Lập, xã Yên Thành phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bản địa.

Gia đình chị Hoàng Thị Hản B, thôn Yên Lập là hộ nghèo, cuộc sống chật vật chỉ dựa vào nương rẫy. Năm 2024, chị được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đầu năm nay, thôn đã vận động cán bộ, đảng viên và người dân góp hàng chục ngày công giúp chị cải tạo lại khu vườn rộng hơn 600m2 để trồng các loại rau màu và chăn nuôi lợn, gà. Ngoài ra, chị còn được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tiêm phòng cho gia súc, xử lý chuồng trại vệ sinh môi trường. Chỉ sau vài tháng chăm sóc, khu vườn đã hiện lên một màu xanh tốt, rau quả sai trĩu, đàn gà, đàn lợn cũng lớn nhanh theo ngày. Từ khi có kế sinh nhai, chị như được tiếp thêm động lực để quyết tâm phấn đấu thoát nghèo.

Sau khi thành công với mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bản địa, chị Hoàng Thị Tám, thôn Yên Lập đã không ngần ngại chia sẻ “bí kíp” chăn nuôi cho các hội viên phụ nữ. Theo chị, nếu nuôi 200 con vịt trong vòng 4 - 6 tháng, bán ra sẽ lãi từ 20 - 25 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi hay tiềm ẩn những rủi ro, chị em cần lưu ý chọn con giống, nguồn thức ăn, ghi chép thu chi hợp lý. Hiện có 18 hội viên phụ nữ tham gia nhóm sinh kế nuôi vịt, nhờ sự chủ động học hỏi, mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất và tiếp thu kiến thức khoa học, ngày càng có nhiều chị em vươn lên làm kinh tế khá giả từ chính mô hình này.

Chị Hoàng Thị Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Yên Lập cho biết: Từ năm 2023 đến nay, thôn chọn “Mỗi tháng một việc tốt” theo từng chủ đề khác nhau, không cầu kỳ, phức tạp, phô trương, mà hết sức gần gũi, gần với điều kiện thực tế ở cơ sở. Đơn cử như giúp đỡ các hộ khó khăn, neo đơn, đảng viên cao tuổi cải tạo vườn tạp; hỗ trợ hộ nghèo tiền vốn mở nghề làm bánh; chung sức mở đường bê tông nông thôn; chăm sóc tuyến đường hoa; hiến đất xây dựng khu tái định cư vùng thiên tai... ai cũng thấy vui vì làm được một việc ý nghĩa. Với sự đồng lòng của nhân dân, trong tổng số 140 nóc nhà, thôn chỉ còn 14 hộ nghèo, cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2020 - 2025, xã Yên Thành có bước tiến rõ rệt về kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21 triệu đồng (năm 2020) lên 50 triệu đồng (năm 2025). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 26,4% xuống còn 9,67%, tương đương với 96 hộ thoát nghèo nhờ hàng loạt giải pháp đồng bộ hỗ trợ sinh kế, cải tạo vườn tạp, cấp giống cây, con và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả.

Theo đồng chí Chẳng Thị Liên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thành: điểm mấu chốt để đạt được kết quả này chính là sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo phát triển kinh tế. Xã chú trọng khơi dậy nội lực trong dân, phát huy sức mạnh cộng đồng, gắn kết hỗ trợ giữa các hộ dân. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành chuỗi liên kết bền vững. Do vậy, thời gian tới, xã tập trung xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với phát triển sản phẩm đặc trưng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp.

Đặc biệt, mô hình “Mỗi tháng một việc tốt” sẽ tiếp tục được nhân rộng, coi đó là công cụ “dân vận khéo” hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Mộc Lan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/202507/bi-quyet-thoat-ngheo-o-yen-thanh-78874eb/