Hà Tĩnh hỗ trợ sản xuất, tiếp sức cho nông dân thoát nghèo

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên.

Mô hình nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả thiết thực cho cho hộ dân miền núi, vùng khó khăn.

Mô hình nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả thiết thực cho cho hộ dân miền núi, vùng khó khăn.

Năm 2024, huyện Hương Khê cũ xây dựng 15 mô hình sinh kế giảm nghèo. Trong đó, có 14 mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản và 1 mô hình chăn nuôi dê với 354 hộ dân được hỗ trợ. Trong đó, chăn nuôi dê là mô hình mới được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét.

Ông Nguyễn Văn Anh, ở thôn 9, xã Hà Linh chia sẻ, mặc dù có lợi thế vườn đồi rộng, tuy nhiên do nguồn vốn, kỹ thuật hạn hẹp nên các phương thức sản xuất trước đây không đưa lại thu nhập ổn định, vì thế đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, thông qua chương trình giảm nghèo, gia đình tôi được nhận nuôi 3 con dê sinh sản. Nhờ được chuyển giao các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đàn dê nhanh chóng hòa nhập môi trường. Qua thời gian chăm sóc, mô hình nuôi dê rất thuận lợi và phù hợp với điều kiện gia đình và khí hậu địa phương.

“Nuôi dê không phải đầu tư lớn, chuồng trại có thể tận dụng gỗ keo trong vườn và ngày công xây dựng. Thức ăn chủ yếu là cỏ và lá cây nên rất thuận tiện. Sau 5 tháng kể từ ngày nhận dê giống, đàn dê đã bắt đầu sinh sản. Nhận thấy đây là mô hình có tiềm năng nên tôi quyết định không bán mà làm thêm chuồng trại để nhân rộng đàn. Hiện gia đình đã có 6 con dê và 2 con dê nái đang chuẩn bị sinh sản lứa tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Anh cho biết thêm.

Theo đánh giá của lãnh đạo chính quyền địa phương, mô hình nuôi dê sinh sản trên địa bàn xã Hà Linh dù mới triển khai chưa được 1 năm, nhưng bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

Toàn xã có 23 hộ dân tham gia mô hình; mỗi hộ được hỗ trợ tiền mua dê giống với kinh phí từ 8 triệu đồng (hộ thoát nghèo), 9 triệu đồng (hộ cận nghèo) và 11 triệu đồng (hộ nghèo). Hiện nay, tổng đàn dê của xã đã lên đến hơn 100 con do các hộ dân tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đây là mô hình từng bước góp phần giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có động lực và điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

 Nguyễn Thị Lan ở thôn 9, xã Hà Linh (người mặc áo xanh) tự tin vươn lên với mô hình nuôi dê sinh sản.

Nguyễn Thị Lan ở thôn 9, xã Hà Linh (người mặc áo xanh) tự tin vươn lên với mô hình nuôi dê sinh sản.

Không riêng gì các hộ dân ở xã Hà Linh, với sự hỗ trợ kịp thời từ các dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng trăm hộ khó khăn ở các địa phương miền núi, vùng khó khăn tại Hà Tĩnh được tiếp cận tư liệu sản xuất, giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực. Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ đã giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, có thêm cơ hội thoát nghèo.

Bà Lê Thị Bình (sinh năm 1953) ở thôn Bình Minh, xã Hương Bình thuộc diện hộ nghèo, sống đơn thân, cuộc sống khó khăn từ nhiều năm nay. Tháng 4/2024, gia đình bà tham gia Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, bà được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò nái trị giá 11 triệu đồng. May mắn tiếp tục đến với bà khi chỉ 5 tháng sau, con bò sinh thêm 1 con bê. Bà Bình phấn khởi nói: "Trước đây, tôi không may bị tai nạn cháy nhà, mất hết vốn liếng nên cuộc sống khó khăn. Sau này khi tuổi cao, không đủ sức để làm những công việc nặng nhọc, may mắn tiếp cận được nguồn hỗ trợ thiết thực của chương trình giảm nghèo nên tôi đã có thêm tư liệu, động lực sản xuất để duy trì cuộc sống và từng bước vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống".

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Tĩnh được phân bổ hơn 376 tỷ đồng triển khai các dự án khung của chương trình.

 Các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người nghèo ở Hà Tĩnh được đánh giá mang lại hiệu quả cao

Các mô hình sinh kế hỗ trợ cho người nghèo ở Hà Tĩnh được đánh giá mang lại hiệu quả cao

Thông qua nguồn hỗ trợ, các địa phương đã xây dựng, triển khai 880 mô hình, dự án phát triển sản xuất và góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể trạng cho hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các lớp dạy nghề, hỗ trợ người lao động tìm kiếm thị trường lao động; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình được triển khai cơ bản bảo đảm quy định, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, góp phần to lớn trong bảo đảm an sinh xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản có hiệu quả. Đa số người dân có tâm lý phấn khởi, thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo dần được nâng lên, đời sống dần được cải thiện. Qua đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đến nay, Hà Tĩnh không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn miền núi, thôn đặc biệt khó khăn. Cuối năm 2024, toàn tỉnh có 9.236 hộ nghèo (19.109 khẩu), tỷ lệ 2,40% (giảm 0,61% so với cuối năm 2023); 11.736 hộ (34.921 khẩu), tỷ lệ 3,04% (giảm 0,33% so với cuối năm 2023). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt mục tiêu do cấp có thẩm quyền giao.

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-tinh-ho-tro-san-xuat-tiep-suc-cho-nong-dan-thoat-ngheo-post895639.html